Cha ông ta từ xa xưa đã dạy “Lá vàng là bởi đất khô. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con trẻ, các bậc cha mẹ sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo nhiều chiều hướng khác khau trong nhận thức, thái độ, hành vi của con mình. Cho nên, vì tương lai của con em, các bậc cha mẹ cũng như bậc thầy cô hãy chọn cách sửa mình trước khi sửa con em để chúng noi theo cách giáo dục phù hợp nhất.
Muốn giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện, thì người làm nhiệm vụ giáo dục cũng được phát triển toàn diện. Ảnh: I.T
Một cái cây muốn sinh sôi, nảy nở tươi tốt, cho hoa thơm trái ngọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng đất và môi trường sống nơi mà nó được gieo vào. Vì thế mà người nhà vườn muốn nâng cao chất lượng thu hoạch từ những vườn cây của mình đều bắt đầu từ việc chuẩn bị đất đai tơi xốp, đảm bảo độ ẩm phù hợp… Từ đó cho thấy, để giáo dục trẻ hiệu quả giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình, các bậc cha mẹ, thầy cô, cũng như các cơ quan làm công tác giáo dục cần nhìn vào cách ứng xử, sự tiến bộ của trẻ để chỉnh sửa, uốn nắn cách tác động của mình cho phù hợp. Người thầy, phụ huynh hay nhà quản lý giáo dục trong quá trình dạy dỗ, định hướng, giáo dục trẻ luôn cần biết đặt mình vào vị trí của học sinh để lắng nghe và thu thông tin ngược để điều chỉnh sửa đổi bản thân cho kịp thời.
Đối với các bậc phụ huynh
Cha ông ta từ xa xưa đã dạy “Lá vàng là bởi đất khô. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con trẻ, các bậc cha mẹ sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo nhiều chiều hướng khác khau trong nhận thức, thái độ, hành vi của con mình. Trẻ con mỗi đứa mỗi tính cách, khí chất khác nhau, sự tiến bộ, trưởng thành giữa chúng cũng có nhiều điểm đặc trưng, tuân theo quy luật không đồng đều, lúc nhanh, lúc chậm, cha mẹ phải luôn kiên trì đồng hành với con. Có nhiều cách giáo dục để những đứa trẻ tiếp thu, lĩnh hội mà hoàn thiện nhân cách của mình. Nhưng hầu hết đứa trẻ nào cũng ưa thích được tôn trọng và sự tác động nhẹ nhàng, ngọt ngào kiểu mưa dầm thấm lâu. Có không ít bậc cha mẹ lại không đủ bình tĩnh để thủ thỉ với con những bài học đạo đức và cách đối nhân, xử thế. Vì vậy, có người đã lựa chọn biện pháp mạnh và kết quả là ngay lập tức hiển hiện ra. Tuy nhiên, những lời mắng chửi thậm tệ, những trận đòn roi “lên bờ xuống ruộng” đã để lại những dấu ấn tiêu cực. Và một điều không ai ngờ rằng cách tác động đó rất dễ “nhân bản” từ chính nạn nhân đối với người yếu thế hơn mình. Cũng là một bài học về giá trị thái độ sống, nhưng nếu được truyền tải bằng phương pháp mềm mỏng, tinh tế qua những câu chuyện thú vị, trẻ sẽ dễ thẩm thấu và hiểu được ý nghĩa khi vận dụng vào cuộc sống. Cho nên, vì tương lai con em mình, các bậc cha mẹ hãy chọn cách sửa mình trước khi sửa con để chúng noi theo cách giáo dục phù hợp nhất.
Đối với các bậc thầy cô
Lắng nghe học sinh để thấu hiểu, sửa đổi bản thân từ nhận thức, cảm xúc và các kỹ năng tác động cho phù hợp. Vẫn còn đó không ít luồng ý kiến cho rằng nghe theo học sinh để thay đổi giáo viên có mà… loạn. Nhưng thực tế, mục đích cuối cùng của sự nghiệp giáo dục là hướng vào sự tiến bộ, trưởng thành của học sinh. Ngày nay, việc bồi dưỡng giáo viên hằng năm luôn theo đặt hàng của các nhà trường cho thấy, việc nghiên cứu bài học, nâng cao năng lực giảng dạy, đổi mới phương pháp và kỹ năng sư phạm… đều tập trung để thay đổi giáo viên. Người thầy cần tăng cường dành thời gian quan sát các biểu hiện của học sinh học tập, lắng nghe bài học trên lớp, vui chơi ở sân trường, đi đứng nói năng, ứng xử ngoài đường và tiếp nhận những thông tin được phản ánh từ cuộc sống của các em, để biết được rằng mỗi giáo viên chúng ta cần sửa bản thân mình nhiều lắm. Những trường hợp nhà giáo đã “thay đổi” các cách làm việc từ nghiên cứu bài giảng, thiết kế giáo án điện tử, xây dựng hệ thống phương pháp dạy học vì muốn học sinh có được những bài học thú vị, nhưng sau đó họ đều nhận ra: Điều đó thật tốt cho bản thân mình: say sưa học cách sử dụng máy tính, thiết kế PowerPoint… khi sự thành thạo nghiệp vụ được nâng lên, giáo viên càng thấy yêu nghề hơn và muốn thay đổi mình nhiều hơn cho phù hợp với thời đại và với sự năng động, thông minh của học sinh. Khi người lớn chưa sẵn sàng sửa đổi bản thân mình, nhưng khi nhìn thấy sự thay đổi đến “chóng mặt” từ học trò, chúng ta biết rằng, nếu giáo viên không sửa mình, thì lạc hậu còn dạy cho ai được. Rồi có những thầy, cô giáo vốn đã từng ứng xử với học sinh rất dữ dội, thường quát mắng học trò vì quan niệm “thương cho roi, cho vọt”, đã trở lại ứng xử nhẹ nhàng, khéo léo, dịu dàng hơn. Vì khi giáo viên nhận ra, lời mắng mỏ, đay nghiến học sinh chỉ khiến chúng bị tổn thương chồng tổn thương, không thể dễ đi vào lòng trẻ bằng sự ngọt ngào, thấu hiểu. Mà ai giúp thầy cô ấy nhận thức và hiểu ra điều đó, chính là những học trò của mình. Có những giáo viên đã viên mãn khi kể rằng, cuộc sống của tôi, gia đình của tôi đã trở nên tốt đẹp hơn khi chứng kiến cảnh học trò của mình đã khao khát sự ấm áp, hạnh phúc từ người thân, gia đình như thế nào. Thế đấy, một hành trình giáo dục chính là tự giáo dục, tự chỉnh sửa nhất là đối với các lực lượng làm công tác giáo dục thế hệ trẻ. Hạnh phúc của nghề giáo khi chứng kiến sự thành công của học trò, nhưng cũng có thể là những gì chúng ta cảm nhận được, thay đổi được bản thân mình. Nhìn học trò để sửa mình cũng là một con đường để mỗi giáo viên cho đi và thu nạp hạnh phúc. Đó là quá trình diễn ra trong âm thầm và hạnh phúc của bậc thầy cô cũng là cảm nhận của riêng mình – những nỗi niềm của người đưa đò thầm lặng.
Vì tương lai của con em, các bậc cha mẹ hãy chọn cách sửa mình trước khi sửa con em để chúng noi theo cách giáo dục phù hợp nhất. Ảnh: IT
Chúng ta – các bậc phụ huynh cũng như thầy cô thường khích lệ học sinh của mình tích cực tự học, tự giáo dục thì việc nhìn học sinh thay đổi, phát triển từng ngày bản thân mỗi người đều biết chủ động tự điều chỉnh, tự gọt giũa chính mình. Dạy học, giáo dục trẻ là một công việc chuyên nghiệp, có sứ mệnh thiêng liêng, khiến cho người hành nghề không chỉ giỏi chuyên môn là đã đủ. Muốn giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện, thì người làm nhiệm vụ giáo dục cũng được phát triển toàn diện. Người thầy cũng như cha mẹ không phải là những bậc thiên tài, không phải là những người “biết tuốt”, giỏi hơn các em. Họ chỉ là người biết trước kiến thức, kinh nghiệm và cách thức tác động, luôn luôn phải cập nhật, phải nâng cấp có nghĩa là người lớn muốn dạy trẻ con thì phải luôn chỉnh sửa mình.
ThS. Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)