Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Phương pháp giúp con học giỏi của cha mẹ Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ Trung Quốc thường ở cạnh giúp con học bài hoặc kiểm tra tiến độ học tập; hay so sánh con với đứa trẻ khác để thúc đẩy nỗ lực.

Trong bảng xếp hạng PISA năm 2018 do OECD công bố hôm 3/12, học sinh Trung Quốc xếp hạng cao nhất ở ba lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học và Khoa học. Có rất nhiều lý do dẫn đến kết quả này, trong đó phải kể đến phương pháp giáo dục con của cha mẹ Trung Quốc.

1. Nhiệm vụ của trẻ em là học tập

Các gia đình Trung Quốc tin vào vai trò cụ thể của từng thành viên và trẻ em cũng không ngoại lệ. Trẻ em nước này phải thực hiện hai nhiệm vụ. Một là tôn trọng người lớn tuổi và vâng lời cha mẹ. Hai là học tập chăm chỉ và đạt thành tích tốt để có tương lai tươi sáng.

Trong gia đình Trung Quốc, các ông bố có thể là trụ cột, bà mẹ là quản lý, đồng thời là thầy cô của con. Nhiệm vụ của học sinh ở trường là vâng lời giáo viên và cố gắng học tập, ở nhà là vâng lời cha mẹ và ôn luyện kiến thức. Các em cũng dọn dẹp nhà cửa, hoạt động ngoại khóa, nhưng hầu hết coi học tập là ưu tiên hàng đầu.

Tại nhà, cha mẹ Trung Quốc thường ở bên cạnh giúp con học bài hoặc kiểm tra tiến độ học tập. Nhiều gia đình, cha mẹ không ngồi cạnh, nhưng bàn học của con thường được bố trí để họ có thể dễ dàng quan sát.

Một điểm đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc, nghề giáo rất được coi trọng. Cha mẹ thể hiện sự quan tâm và trân trọng đặc biệt đối với các nhà giáo dục. Họ coi thầy cô giáo giống như đồng minh trong việc nuôi dạy con và luôn nhắc trẻ phải tôn trọng.

Học sinh THCS ở Trung Quốc. Ảnh: Oddizzi

Học sinh THCS ở Trung Quốc. Ảnh: Oddizzi

2. Tự hoàn thiện

Theo nhà tâm lý học Jin Li (Đại học Brown, Mỹ), kỹ thuật nuôi dạy con của cha mẹ Trung Quốc bắt nguồn từ niềm tin trong Khổng giáo về sự tự hoàn thiện. Thông qua luyện tập không ngừng nghỉ, con người có thể đạt đến sự hoàn hảo.

Vì vậy, học sinh Trung Quốc được khuyến khích tận dụng thời gian nhiều nhất có thể cho việc học. Thêm một giờ học là các em có thể học thêm kiến thức trong nhiều môn và hoàn thiện khả năng của bản thân.

3. Tiết kiệm lời khen

Cha mẹ Mỹ tin rằng khen ngợi là nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy trẻ làm việc và nâng cao lòng tự trọng. Họ thường khen ngợi con rất nhiều như trong các buổi biểu diễn văn nghệ, trò chơi ngoài trời hoặc học tập. Khác với cha mẹ Mỹ, cha mẹ Trung Quốc thường hạn chế khen ngợi con hoặc chỉ khen vào những lúc thực sự cần thiết.

Cha mẹ Trung Quốc sẽ khen ngợi khi con đạt điểm A hoặc điểm 9-10. Nếu các em đạt điểm thấp hơn, cha mẹ thường khuyến khích con làm tốt hơn vào những lần sau. Bằng cách đó, họ ngầm cho con hiểu rằng cha mẹ đặt ra tiêu chuẩn cao cho con và mong con sẽ cố gắng đạt được điều này.

Ngoài ra, khi khen ngợi, họ tránh sử dụng những tính từ chung chung mà chú ý đến thành tựu hoặc nỗ lực của con. Ví dụ, cha mẹ Trung Quốc không nhận xét "Con là người thông minh nhất từ trước đến nay". Vì câu nói này khiến trẻ tự kiêu, nghĩ mình giỏi nhất và không chịu được cảm giác thất bại. Thay vào đó, họ sẽ nói như sau "Con đã giành được số điểm ấn tượng trong bài kiểm tra lần này. Việc con bỏ thêm thời gian cho việc học đã được đền đáp".

4. Khuyến khích cạnh tranh

Cha mẹ Trung Quốc quan niệm lớp học giống như một cuộc thi, nhiều học sinh cùng bước vào, nhưng chỉ có một em trở thành nhà vô địch. Vì vậy, họ thường so sánh con với những đứa trẻ khác để thúc đẩy nỗ lực học tập.

Sự cạnh tranh này không hàm ý tiêu cực mà là cạnh tranh lành mạnh, tức trẻ nên nhìn vào thành công của các bạn để học hỏi. Nếu thất bại, trẻ không nên giữ suy nghĩ tiêu cực, thay vào đó cha mẹ Trung Quốc dạy con nhìn vào khuyết điểm của bản thân, lý giải sai lầm và tránh lặp lại ở lần tiếp theo.

5. Không bao giờ bỏ cuộc

Trong suy nghĩ của người Trung Quốc, thất bại không phải là một lựa chọn. Cha mẹ Trung Quốc tin rằng, điều tồi tệ nhất họ có thể làm là để con từ bỏ công việc hay nhiệm vụ dang dở. Ngược lại, không gì tốt hơn là xây dựng cho con sự tự tin, tính kiên trì nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

Một khi trẻ em Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu, cha mẹ sẽ ủng hộ hoặc giúp đỡ con trên con đường chinh phục. Từ trong trò chơi, thể thao hay học tập, sự kiên trì luôn được rèn luyện và củng cố với niềm tin rằng các em có thể áp dụng nó trong công việc sau này và gặt hái thành công.

6. Thành quả của sự chăm chỉ

Theo cha mẹ Trung Quốc, niềm vui sẽ không xuất hiện nếu bạn không làm việc chăm chỉ để đạt được thành quả nhất định. Vì vậy, bên cạnh sự kiên trì, cha mẹ Trung Quốc nhắc nhở con không bao giờ được lười biếng. Theo nghiên cứu của Đại học California, học sinh châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng học thêm nhiều hơn học sinh các châu lục khác trung bình 5 tiếng mỗi tuần.

Lấy ví dụ về việc học chơi đàn. Trẻ em Trung Quốc sẽ được yêu cầu luyện tập chăm chỉ mỗi ngày dưới sự giám sát của cha mẹ. Sau một khoảng thời gian làm việc không ngừng nghỉ, cha mẹ sẽ đăng ký cho con tham gia biểu diễn trong ban nhạc hoặc dàn nhạc, từ đó trẻ sẽ nhận ra sự chăm chỉ luôn được đền đáp xứng đáng và nỗ lực hơn.

Tú Anh/Vnexpress (Theo Education)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)