Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển thì yêu cầu làm việc theo nhóm là cần thiết hơn bao giờ hết. Vì trong thực tế cuộc sống, làm việc theo nhóm có thể tập trung được những mặt mạnh của từng người và bổ sung, hoàn thiện cho nhau, khắc phục được những điểm yếu…
Học sinh THPT thảo luận nhóm trong giờ học. Ảnh: Anh Khôi
Do đó, chúng ta cần phải thấy được những ưu điểm của hình thức dạy học theo nhóm để phát huy được những điểm mạnh của nó: Thứ nhất, việc giảng dạy theo nhóm thỏa mãn nhu cầu học tập cá nhân, phù hợp với việc học tập hướng tới người học, khuyến khích sự độc lập tự chủ, người học có thể đưa ra những giải pháp, cách biểu đạt riêng cho vấn đề nào đó. Thứ hai, các thành viên trong nhóm biết được sự phụ thuộc lẫn nhau. Làm việc theo nhóm là cách học cho phép tất cả các thành viên trong nhóm giải quyết một cam kết làm việc được mô tả rõ ràng, không được giáo viên dẫn dắt trực tiếp mà chỉ nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ và sự phân công công việc trong nhóm. Vì vậy, mỗi thành viên trong nhóm tự ý thức được phải cố gắng hết mình không phải chỉ vì thành tích cá nhân mà còn vì thành công của cả nhóm. Thứ ba, giảng dạy dựa trên phương pháp làm việc theo nhóm nâng cao được tính trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm. Do mỗi thành viên trong nhóm được phân công thực hiện một vai trò nhất định, một công việc và trách nhiệm cụ thể. Trách nhiệm của mỗi thành viên là yếu tố quyết định việc thành công hay thất bại của nhóm. Một điều quan trọng cần lưu ý là việc tổ chức dạy học theo nhóm không phải là hình thức nhằm thay thế học tập cá nhân mà là để giúp cá nhân thực hiện nhiệm vụ học tập của mình thông qua trao đổi, thảo luận với các thành viên cùng học.
Cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy thì những ưu điểm cơ bản trên sẽ phần nào nhấn mạnh được ý nghĩa quan trọng của phương pháp hoạt động theo nhóm. Vai trò của người dạy là điều khiển hoạt động của người học, còn người học là trung tâm của hoạt động đó. Kết quả của hoạt động này chính là những yêu cầu cụ thể, những kiến thức mới mà người dạy cần truyền đạt đến người học. Mặc dù việc chia nhóm tùy thuộc vào đặc điểm từng lớp nhưng khi chia nhóm, giáo viên cần đảm bảo được những yêu cầu cơ bản sau: Trình độ học tập mỗi nhóm nên có sự đồng đều, nên có những học sinh tích cực, học sinh khá giỏi và học sinh yếu để hỗ trợ lẫn nhau. Quy mô nhóm vừa phải, mỗi lớp có thể có từ 4-5 nhóm, mỗi nhóm có từ 7-10 học sinh (nếu sĩ số học sinh trong lớp từ 35-45 em); đối với các chủ đề thảo luận nhỏ có thể thảo luận theo nhóm 2 học sinh cùng bàn hoặc nhóm 4 học sinh (hai bàn). Tổ chức cho học sinh trong nhóm bầu ra một trưởng nhóm để điều khiển hoạt động của nhóm và một thư ký để ghi lại các câu hỏi, ý kiến trao đổi của các thành viên (việc bầu chọn cần có định hướng của giáo viên để học sinh được chọn có đủ khả năng làm việc theo yêu cầu chung). Việc tổ chức và điều khiển hoạt động nhóm có thể được tóm tắt bằng sơ đồ cấu trúc chung như sau:
Mục (1), đối với một số nội dung mà học sinh cần có kiến thức rộng, cần phải có sự chuẩn bị, giáo viên cần nêu trước chủ đề thảo luận hay bài tập và yêu cầu học sinh tự nghiên cứu trước khi đến lớp để thảo luận như đọc sách giáo khoa, sách tham khảo và thu thập thông tin từ sách báo khác hay trên internet; chủ đề hay bài tập cần được chọn lựa phù hợp với hoạt động nhóm sao cho thật lý thú và mang tính thách thức, kích thích học sinh suy nghĩ và tranh luận, không quá dễ sẽ gây nhàm chán. Mục (2), khi tiến hành thảo luận nhóm, giáo viên cần phải định rõ thời gian cho mỗi hoạt động cụ thể, không nên kéo dài hoặc quá ngắn; có thể cho nhóm chấm điểm ý thức tham gia hoạt động các thành viên và gửi cho giáo viên để tính vào điểm ý thức học tập của học sinh; giáo viên theo dõi chung cũng như đến từng nhóm để lắng nghe, giải đáp, phân xử đúng, sai và trợ giúp học sinh nếu cần, tránh tình trạng quá ồn ào ảnh hưởng đến nhóm khác hoặc các lớp khác. Mục (3), khi kết thúc phần thảo luận theo nhóm, giáo viên lần lượt cho các nhóm (hoặc chỉ định một nhóm) cử đại diện lên trình bày ý kiến trước lớp (có thể dùng các tờ giấy khổ lớn để ghi lại các ý chính và treo trên bảng để thuyết trình) những ý kiến mà nhóm vừa thảo luận; ở những lần sau, khi thấy học sinh đã quen cách học này, giáo viên sẽ gọi bất kỳ học sinh nào trong nhóm lên trình bày để tập cho các em kỹ năng thuyết trình trước tập thể, tránh ỷ lại. Nên bố trí thời gian hợp lý để nhóm khác có ý kiến thắc mắc, nhóm trình bày sẽ giải thích; giáo viên có thể đặt câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu của các thành viên trong nhóm sau khi thảo luận. Mục (4), giáo viên cần tóm lược lại vấn đề, có thể bổ sung hoàn chỉnh lại nội dung theo yêu cầu đã đề ra tránh tình trạng kết quả trình bày dàn trải, còn thiếu hoặc chưa đúng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức mới.
Muốn thực hiện tốt phương pháp hoạt động nhóm trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần kiên nhẫn tổ chức hoạt động nhóm thường xuyên để từng bước hoàn thiện kỹ năng làm việc theo nhóm đối với từng đối tượng học sinh, chú ý quan tâm động viên, khuyến khích những học sinh yếu kém dần dần hòa nhập với tập thể để các em tự tin tham gia hoạt động nhóm đều hơn, giáo viên có thể sử dụng phiếu điều tra để thu thập ý kiến phản hồi từ học sinh nhằm không ngừng cải tiến hoạt động nhóm ngày càng hiệu quả hơn. Các bước chuẩn bị để soạn một giáo án theo hoạt động nhóm như sau: Thứ nhất, lượng hóa các mục tiêu kiến thức và kỹ năng (nêu ra được, phát biểu được, mô tả được, giải thích được, giải được, phân biệt được…). Thứ hai, chia bài học thành những nội dung tương đối độc lập (đơn vị kiến thức). Thứ ba, hoạch định các hoạt động học tập của học sinh thích hợp cho việc nắm bắt từng đơn vị kiến thức, chú ý tới mục tiêu của từng hoạt động kể cả các hoạt động tình huống, củng cố bài, ra bài tập về nhà. Thứ tư, tìm những hình thức học tập phù hợp với mỗi đơn vị kiến thức (tìm hiểu cá nhân, hoạt động nhóm, làm thí nghiệm…). Thứ năm, hoạch định các hoạt động hỗ trợ của giáo viên tương ứng với mỗi hoạt động của nhóm, dự kiến những tình huống sư phạm có thể xảy ra. Thứ sáu, dự kiến thời gian cho mỗi hoạt động nhóm. Thứ bảy, xác định các điều kiện cần chuẩn bị cho tiết học (các đồ dùng thiết bị thí nghiệm, thiết bị hỗ trợ).
Hoạt động nhóm là phương pháp dạy học cần được ưu tiên áp dụng trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm; có nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng hoạt động nhóm vẫn còn những khó khăn và hạn chế. Tùy vào đặc thù từng loại tiết dạy, đặc điểm của học sinh mà giáo viên có những biện pháp cụ thể để tổ chức cho các em hoạt động theo nhóm nhằm phát huy những ưu điểm của hoạt động nhóm, rèn luyện học sinh có được phương pháp hoạt động nhóm, đem lại hiệu quả cao nhất trong dạy và học.
ThS. Nguyễn Thanh Phong
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)
Bình luận (0)