Cấu trúc động mạch lớn nhất trong cơ thể
|
Vào cuối tháng 8 vừa qua, bà Lê Thị T., 86 tuổi, tỉnh Bến Tre đến Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khám bệnh với triệu chứng đau ngực trái. Bà được chụp cắt lớp ngực – bụng và phát hiện bị phình động mạch chủ (ĐMC) ngực. BS nhận định đây là một chứng bệnh rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, điều may mắn là bà T. được BS ở bệnh viện này chữa trị bằng phương pháp điều trị mới: Đặt giá đỡ cho ĐMC ngực.
Bệnh lý nguy hiểm của động mạch lớn nhất trong cơ thể
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Định (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) thì ĐMC là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tâm thất trái của tim, đi xuống qua ngực (ĐMC ngực) và bụng (ĐMC bụng). Trong phình ĐMC, thành mạch bị thoái hóa và yếu làm giãn to một đoạn ĐMC. Khối phình sẽ ngày một to, có thể gây các biến chứng như chèn ép ra chung quanh, tạo huyết khối trong túi phình với nguy cơ dẫn đến thuyên tắc động mạch ở các tạng, hoặc ở các chi, hoặc ở não đưa đến đột quỵ. Khi khối phình bị nứt hoặc vỡ sẽ gây mất máu nguy kịch, trụy tim mạch và rất dễ tử vong (trong số 70% trường hợp bị biến chứng vỡ túi phình mà không được điều trị thì có tới 90% tử vong). Phình ĐMC hiện đang trở thành một vấn đề lớn về sức khỏe, khi độ tuổi trung bình của người dân tăng lên và các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mỡ – máu xuất hiện ngày một nhiều.
BS. Định phân tích, trường hợp của bà T. là phình ĐMC ngực, ở vào vị trí từ đoạn xa quai ĐMC đến đoạn đầu của ĐMC ngực xuống. Kích thước túi phình to đến 6,5cm, trong khi đường kính ĐMC bình thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 4cm. Và trong trường hợp khi túi phình ĐMC lớn hơn hoặc bằng 5cm là đã phải cân nhắc chỉ định can thiệp.
Phương pháp đặtgiá đỡ có cửa sổ (phân nhánh) trong điều trị
|
Phương pháp điều trị mới
Theo BS. Định thì phương pháp điều trị quy ước của phình ĐMC ngực là phẫu thuật mở,đòi hỏi phải ngưng tuần hoàn tạm thời, sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất lớn, ẩn chứa nhiều nguy cơ, thời gian hồi phục kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nặng.
Vì vậy, các BS ở Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã áp dụng một phương pháp điều trị mới là đặt giá đỡ cho ĐMC ngực. Giá đỡ được đưa vào động mạch đùi (qua một vết mổ nhỏ ở bẹn) hoặc đưa vào động mạch cánh tay, đưa lên tới đoạn phình ĐMC ngực và mở bung ra, giúp loại trừ đoạn động mạch bệnh lý, tạo nên độ vững chắc cho thành mạch, giảm nguy cơ vỡ túi phình và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng với sinh lý.
Theo đó, có hai phương pháp chính của đặt giá đỡ ĐMC ngực, sử dụng hai loại giá đỡ khác nhau:
Sử dụng loạigiá đỡ có cửa sổ (hay còn gọi là giá đỡ có phân nhánh) để duy trì được các nhánh chính quan trọng của ĐMC (các nhánh đi tới đầu, tay, tủy sống, ruột, thận…) xuất phát tại đoạn đặt giá đỡ. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, mất nhiều thời gian và hiện tại chỉ có thể triển khai tại một số ít cơ sở.
Phương pháp đặt giá đỡ không phân nhánh trong điều trị (ảnh BS. Nguyễn Hoàng Định cung cấp)
|
Sử dụng loại giá đỡ thông thường (không có phân nhánh). Khi túi phình thuộc vào đoạn quai ĐMC – nơi xuất phát của một số động mạch nuôi não và chi trên, thì việc đặt một giá đỡ thông thường sẽ làm cản trở dòng máu đi vào các động mạch quan trọng này. Vì vậy, trước khi đặt giá đỡ vài ngày, người ta sẽ phải làm trước một phẫu thuật kết hợp, nghĩa là làm một số cầu nối giữa giá đỡ với các nhánh lớn của quai ĐMC để bảo toàn việc tưới máu cho não và chi trên.
Việc đặt giá đỡ thông thường cùng với việc làm một số các cầu nối nói trên được gọi là phương pháp TEVAR (Thoracic EndoVascular Aortic Repair), nghĩa là đặt giá đỡ nội mạch ĐMC ngực.
Trước đây, người ta mở lồng ngực bằng cách chẻ xương ức để thực hiện các cầu nối này. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các bệnh kèm theo (như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…) thì việc mở ngực có khá nhiều nguy cơ. Để giảm thiểu nguy cơ, người ta có thể thực hiện các cầu nối qua các đường rạch da ở cổ mà không phải mở ngực, nên cuộc phẫu thuật trở nên nhẹ nhàng hơn.
Bích Vân
Áp dụng phương pháp TEVAR điều trị cho bà T.
BS. Định cho biết, Bệnh viện ĐH Y dược đã áp dụng phương pháp TEVAR để điều trị cho bà T. bằng cách đặt giá đỡ không có phân nhánh (làm bằng hợp kim Nickel-Titanium có phủ sợi polyester phía ngoài) và làm các cầu nối qua đường vào ở cổ, không phải mở ngực. Cùng một lúc hai giá đỡ của thân động mạch cánh tay – đầu có tên gọi là “ống khói” được đưa vào qua động mạch nách phải và của quai ĐMC (giá đỡ chính) được bung ra đồng thời vừa đảm bảo tưới máu tốt cho não, vừa đảm bảo cung cấp đủ máu cho quai ĐMC.
|
Bình luận (0)