Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phương Tây áp dụng “tiêu chuẩn kép” về toàn vẹn lãnh thổ

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Tòa án hiến pháp Nga ra phán quyết khẳng định hiệp ước tiếp nhận CH tự trị Crimea vào thành phần LB Nga phù hợp với Hiến pháp LB Nga, Mỹ và phương Tây tiếp tục lên án và đe dọa tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã kêu gọi Mỹ và phương Tây từ bỏ ngay “tiêu chuẩn kép” về toàn vẹn lãnh thổ.

Quang cảnh Duma Quốc gia Nga biểu quyết ngày 20-3.

“Lá mặt lá trái”

Bà Cristina phê phán thái độ “lá mặt lá trái”, chủ yếu là Anh và Mỹ. Theo Tổng thống Argentina, các quốc gia phương Tây không công nhận kết quả trưng cầu dân ý tại Crimea, nhưng lại thừa nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu tương tự tại quần đảo Malvinas, mà Anh gọi là Falklands.

Quần đảo tranh chấp giữa Argentina và Anh này bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Mặc dù từ năm 1965, LHQ đã thông qua hàng chục nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng, Anh luôn từ chối thương thảo với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo, bởi trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 3-2013, có tới 98% người dân tại đây bỏ phiếu ủng hộ giữ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại.

Theo Russia Today, cuối tuần này, Quốc hội Nga dự kiến tổ chức bỏ phiếu lần cuối về việc phê chuẩn sáp nhập Crimea vào LB Nga. Nga đang khẩn trương thực hiện các chính sách để đảm bảo cuộc sống người dân tại Crimea. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ đảm bảo Crimea có nguồn cung năng lượng ổn định bằng cách cung cấp các nguồn dự phòng và kiểm soát nguồn dự trữ nhiên liệu. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động và Bảo vệ xã hội Nga trong thời gian ngắn nhất tăng lương hưu cho người dân Crimea bằng mức áp dụng ở Nga. Ước tính, mức lương hưu sắp tới của người dân Crimea sẽ tăng gần gấp đôi.

Phương Tây, Ukraine phản ứng

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 20-3 cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ hủy Hội nghị thượng đỉnh Nga – Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, ông Hollande cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chưa vội thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga mà chỉ mở rộng các biện pháp trừng phạt mới đối với một số nhân vật của Nga. Trước đó, cũng trong một động thái được nhìn nhận là nhằm gây sức ép đối với Mátxcơva, Pháp để ngỏ khả năng hủy hợp đồng bán 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga theo đơn đặt hàng trước đó. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố Mátxcơva sẽ yêu cầu bồi thường nếu Pháp hủy thỏa thuận bán tàu sân bay lớp Mistral cho nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 20 nghị sĩ và quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga, ngân hàng Aktsionerny của Nga (còn gọi là Bank Rossiya), đồng thời đe dọa nhắm trực tiếp tới các ngành chủ chốt của kinh tế Nga. Chỉ ít phút sau đó, Nga thông báo nước này đã lập danh sách trừng phạt 9 thượng nghị sĩ Mỹ và cố vấn của ông Obama.

Ukraine đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để phản ứng lại Nga. Đầu tiên, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine Andrey Parubiy cho biết, Ukraine quyết định rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Ông Andrey Parubiy cũng thông báo Ukraine quyết định áp dụng quy chế thị thực với Nga.

Tuy nhiên, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk sau đó đã tuyên bố nước này không vội áp dụng chế độ thị thực này. Theo ông Yatseniuk, sáng kiến này chưa thực sự là phương án hiệu quả để tác động đến Nga, nhưng nó có thể tác động tiêu cực đến người dân Ukraine bởi đa số công dân Ukraine muốn duy trì chế độ miễn thị thực. Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine cũng đề xuất chính quyền Kiev khẩn cấp yêu cầu LHQ tuyên bố Crimea là khu vực phi quân sự và thi hành các biện pháp để quân đội Nga rời khỏi bán đảo, cũng như đảm bảo điều kiện cho các đơn vị quân đội Ukraine rời khỏi Crimea về căn cứ trên đất liền của Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 20-3 xác nhận, chính quyền Crimea đã trả tự do cho Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergey Haiduk và tất cả những người khác là nhân viên thuộc chính quyền Kiev người đã bị lực lượng tự vệ ở Crimea tạm giữ trước đó.

Tối 20-3, Hãng Ria-Novosti đưa tin với 445 phiếu thuận, 1 phiếu chống, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đã chính thức thông qua hiệp ước sáp nhập nước CH tự trị Crimea với LB Nga. Trong khi đó, theo Itar-Tass, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo tuyên bố Crimea là lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)