Hội nhậpThế giới 24h

Phương Tây đã sai về nền kinh tế Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Phương Tây đã không lường được sức mạnh của kinh tế Nga, các biện pháp trừng phạt Nga không gây ra sự sụp đổ mà phương Tây hy vọng.
Mua sắm trong đại siêu thị Auchan ở Nga.
Dự báo của phương Tây về kinh tế Nga đã sai – tờ Bloomberg nhận định ngày 24.8. Tờ báo viết, bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, nền kinh tế Nga dường như đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến ​​vì được hưởng lợi từ giá năng lượng cao.
Theo Bloomberg, thiệt hại của Nga thấp hơn nhiều so với giả định trước đó. Vào tháng 3, các nhà phân tích dự đoán mức giảm 10% GDP của Nga trong quý hai, trong khi dữ liệu mới nhất từ ​​cơ quan thống kê Nga Rosstat cho thấy mức giảm trong quý này chỉ là 4%.
Bloomberg viết, các dự báo về sự sụp đổ kinh tế của Nga đã được chứng minh là sai rõ ràng: Dự báo GDP sụt giảm nghiêm trọng, nhưng thực tế chưa đến 4% trong quý 2 nhờ giá năng lượng tăng, trong khi đây là nguồn thu chính của ngân sách Nga.
Bloomberg nhấn mạnh, trong khi Mỹ và đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt, nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông, vẫn tiếp tục giao thương với Nga.
Nga thu hàng tỉ USD từ việc bán dầu.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng ước tính GDP của Nga trong năm nay lên 2,5 điểm phần trăm, dự báo nền kinh tế sẽ giảm 6%. IMF lưu ý rằng bất chấp các lệnh trừng phạt, "nhu cầu trong nước của Nga cũng đang cho thấy một số khả năng phục hồi nhờ vào việc ngăn chặn tác động của các lệnh trừng phạt”.
Cùng lúc, tờ Washington Post cho hay, các biện pháp trừng phạt chống lại Mátxcơva không gây ra sự sụp đổ mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã hy vọng. Đã 6 tháng kể từ khi các lệnh trừng phạt chưa từng có được áp đặt đối với Nga, nền kinh tế nước này vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự sụp đổ mà phương Tây mong đợi ban đầu.
Bài đăng trên tờ Washington Post kể lại việc ngay sau khi Mỹ đưa ra các hạn chế đối với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự ở Ukraina, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng nền kinh tế Nga đã ở “bờ vực”.
Tuy nhiên, như bài báo chỉ ra, sau cú sốc ban đầu, đồng tiền của Nga – đồng rúp – đã phục hồi trở lại nhờ Mátxcơva áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với giao dịch ngoại tệ và cũng do nhập khẩu giảm. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp ở nước này không tăng mạnh và xuất khẩu năng lượng tiếp tục mang lại hàng tỉ USD vào kho bạc của Điện Kremlin mỗi tháng.
Bài viết tiếp tục trích dẫn dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 6% trong năm nay, một mức khác biệt đáng kể so với dự báo 10% trước đó.
Bài báo dẫn lời ông Maxim Mironov – nhà kinh tế học người Nga tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid (Tây Ban Nha) – lập luận rằng các biện pháp trừng phạt “chắc chắn có hiệu quả, nhưng không may là chậm hơn nhiều so với những gì người ta mong đợi sáu tháng trước”.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc Liên minh Châu Âu EU cấm nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga sẽ là một đòn hữu hình đối với Mátxcơva. Tuy nhiên, bài báo cũng lưu ý, phần lớn Châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, khiến cho kịch bản như vậy ít xảy ra hơn.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga không hẳn đã hoàn toàn bình yên, theo tờ Washington Post. Ngoài sự ra đi của một số thương hiệu nổi tiếng và giá cà phê cao hơn, các nhà sản xuất ô tô của nước này đã phải cắt giảm đáng kể quy mô sản xuất và giảm nhân công do thiếu linh kiện nhập khẩu.
Bài báo cũng chỉ ra, phi công và các nhân viên hàng không khác cũng đã bị sa thải hàng loạt do các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi hàng nghìn chuyên gia có trình độ học vấn cao đã rời khỏi đất nước.
Trích lời Ilya Matveev – nhà khoa học chính trị ở St.Petersburg – tờ báo kết luận rằng “khoảng cách công nghệ giữa Nga và các nền kinh tế tiên tiến sẽ ngày càng mở rộng theo thời gian” với rất ít cơ hội “đổi mới và tiến bộ công nghệ” trong nước.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)