Israel đã có phản ứng mạnh sau khi lãnh đạo 3 nước Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha công bố kế hoạch công nhận nhà nước Palestine hôm 22-5.
Đài CNN còn dẫn một số nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Israel đang cân nhắc các bước đi trả đũa, như hủy chuyến thăm của giới chức và thu hồi thị thực của các nhà ngoại giao của các nước trên. Ngoài ra, Israel cũng xem xét đề nghị Mỹ thuyết phục các quốc gia khác không có động thái tương tự.
Trước mắt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ phản đối việc "đơn phương công nhận" nhà nước Palestine.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ông Joe Biden ủng hộ giải pháp hai nhà nước và nhấn mạnh giải pháp này nên có được thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên, chứ không phải thông qua việc công nhận đơn phương. Ông Sullivan nói thêm mỗi quốc gia có quyền đưa ra quyết định của riêng mình nhưng lập trường của Mỹ về vấn đề này là rõ ràng.
Người ủng hộ Palestine dựng lều trại tại Trường ĐH Oslo (Na Uy) hôm 2-5. Ảnh: Reuters
Theo đài CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Micheal Martin cho biết việc công nhận nhà nước Palestine sẽ có hiệu lực ở cả Ireland, Tây Ban Nha, Na Uy vào ngày 28-5. Lãnh đạo các nước này gọi đây là một "bước quan trọng hướng tới hòa bình trong khu vực".
Diễn biến mới này có thể gây sức ép lên các đồng minh của Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha trong việc có lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc xung đột Israel – Hamas.
Hiện có hơn 140 trong số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận nhà nước Palestine. Trong số này chỉ có một số thành viên Liên minh châu Âu (EU), mới nhất là Tây Ban Nha và Ireland (Na Uy không phải thành viên EU).
EU lâu nay vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước và đưa nhiều hàng viện trợ nhân đạo đến lãnh thổ Palestine. Dù vậy, theo đài CNN, không có nhiều khả năng toàn bộ 27 thành viên EU sẽ đi xa như Tây Ban Nha và Ireland.
Điều đó thể hiện rõ qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne, với nội dung công nhận nhà nước Palestine lúc này không có nhiều tác động do các nhà lãnh đạo Palestine và Israel đang trong trạng thái "bế tắc ngoại giao".
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)