Sự kiện giáo dụcTin tức

Phường “trắng” trường mầm non công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh vất vả tìm chỗ học cho con

Có được ngôi trường MN khang trang như thế này là mơ ước lớn lao của người dân lao động nhiều phường “trắng” trường mầm non. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM còn nhiều phường vẫn “trắng” trường mầm non công lập. Điều này làm cho hàng ngàn gia đình có trẻ trong độ tuổi mầm non rất vất vả trong việc tìm chỗ học cho con…
Dân nghèo… chịu thiệt
Chị Hồng (P.11, Gò Vấp) cho biết: “Vì phường không có trường MNCL nên chúng tôi phải gửi con cháu vào các trường MN dân lập, nhóm trẻ… vừa tốn nhiều tiền, vừa không đảm bảo an toàn. Nhiều người có quen biết, khá giả nên chạy chọt, gửi gắm con cháu vào trường MNCL các phường khác, chỉ có dân nghèo chịu thiệt”. Q.Gò Vấp hiện còn ba phường “trắng” trường MNCL: P.6, P.11 và P.12. Trong đó, P.11 và P.12 đã có dự án, có quỹ đất, chỉ chờ kinh phí TP cấp. Riêng P.6 đến nay vẫn chưa có quỹ đất, chưa lập dự án, ghi vốn. Thầy Hồ Ngọc Anh – cán bộ phụ trách cơ sở vật chất – Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết: “Công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án này gặp nhiều khó khăn do kinh phí, đã ba năm trôi qua nhưng dự án trường MN tại P.11 và 12 vẫn chưa khởi công”. Cán bộ phụ trách bậc học MN – Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết: “Trước tình hình đó, chúng tôi chỉ còn cách hỗ trợ chuyên môn, đẩy mạnh công tác quản lý để các trường MN tư thục, nhóm trẻ rút ngắn khoảng cách với trường MNCL”. Chính tình trạng “trắng” trường MNCL dẫn đến hiện tượng “chạy trường”, gửi gắm gây xáo trộn, khó khăn cho ngành GD-ĐT TP.
Tương tự, đến nay Q.Bình Tân còn ba phường “trắng” trường MNCL: Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B và Bình Trị Đông. Một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết: trong một lần công tác tại địa phương vào năm 2008, bà Nguyễn Thị Thu Hà lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo lãnh đạo quận sớm xây trường MNCL cho các phường nói trên. Đến nay, công tác khảo sát, đền bù, áp giá, tư vấn thiết kế… vẫn đang tiến hành. Theo dự kiến, đầu năm 2010 sẽ khởi công xây dựng nếu TP rót kinh phí. Q.Thủ Đức hiện cũng còn hai phường “trắng” trường MNCL: P.Linh Tây và P.Tam Phú. Trong đó, P.Linh Tây có 18.700 người, với 950 trẻ trong độ tuổi MN; P.Tam Phú có 19.450 người, với 975 trẻ trong độ tuổi MN. Cô Hồ Ngọc Tuyết, cán bộ phụ trách MN – Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết: “Những năm qua hai P.Linh Tây và Tam Phú chưa có trường MNCL nên gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục địa phương. Đặc biệt, người dân địa phương chịu thiệt vì gửi các cháu vào trường dân lập hay nhóm trẻ vừa tốn nhiều tiền, lại chưa hẳn đã đảm bảo an toàn như ở trường công lập”.
Bao giờ xóa phường “trắng” trường MNCL?
Nhận thấy nhu cầu bức thiết của người dân, lãnh đạo các cấp đã có kế hoạch xây dựng trường cho những phường “trắng” trường MNCL. Cô Tuyết hào hứng: “Quận ủy đã dành quỹ đất và dự kiến đầu năm 2010 sẽ khởi công xây trường MNCL ở hai phường này. Cụ thể: trường MN ở P.Tam Phú với 4.200m2­, 15 phòng học và phòng chức năng, vốn đầu tư là 20 tỉ đồng; trường MN ở P.Linh Tây với 4.300m2, 15 phòng học và phòng chức năng, vốn đầu tư là 20 tỉ đồng”. Trái với sự vui mừng của cô Tuyết, ông Lưu Văn Hiến – Chủ tịch P.Linh Tây, Q.Thủ Đức lo lắng: “Suốt nhiều năm qua phường không có trường MNCL. Con em tại địa phương phải gửi sang các P.Linh Đông, Linh Chiểu. Nhận thấy khó khăn của người dân nên lãnh đạo quận cũng rất chú ý, xem xét xây cho phường trường MNCL. Hiện nay quỹ đất đã có nhưng chưa có ranh giới, chưa đóng cột mốc cụ thể, cũng chưa biết khi nào khởi công”. Ông Hiến cho biết thêm, địa phương có nhiều dân nhập cư, lao động nghèo, công nhân nên đời sống người dân khó khăn, nhu cầu trường học cho con em là rất bức thiết. Hiện nay, thu nhập của một cặp vợ chồng công nhân khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền thuê phòng trọ, tiền học cho một đứa con ở bậc MN đã chiếm gần 1/2 thu nhập của họ. Với số tiền còn lại họ sống rất eo hẹp. Nhưng từ kế hoạch đến ngôi trường trên thực tế đưa vào sử dụng là khoảng cách… rất xa. Nhiều dự án, kế hoạch xây trường… nằm trên giấy suốt thời gian dài. Nhiều ngôi trường có ngày khởi công nhưng chưa biết đến ngày nào mới khánh thành, đưa vào sử dụng. Theo cán bộ phụ trách cơ sở vật chất ở các phòng GD-ĐT của các quận “trắng” trường MNCL nói trên, công tác đền bù, giải tỏa và kinh phí là những trở ngại rất lớn khiến nhiều ngôi trường vẫn mãi là… dự án. Những địa phương đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, chưa có quỹ đất thì chủ trương xóa tình trạng “trắng” trường MNCL trên địa bàn TP còn rất xa vời. Cán bộ một phòng GD-ĐT nói: “Các lãnh đạo quận nên có trách nhiệm hơn, vận động, đôn đốc nhiều hơn mới xóa được tình trạng “trắng” trường MNCL tại địa bàn. Lãnh đạo cần xắn tay vào việc thay vì nói suông”.
Bài, ảnh: Công Việt

Bình luận (0)