Tham quan Địa đạo Củ Chi, thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế, thưởng lãm đèn hoa đăng trên sông Hương… là những trải nghiệm ấn tượng của học sinh lớp 7/1, 7/2, 7/4 Trường THCS Lữ Gia và học sinh lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.11, TP.HCM) ngay trong tiết học môn văn.
Nguyễn Thành Tài (lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Huệ) cùng bạn học giới thiệu về Địa đạo Củ Chi
Với chủ đề “Việt Nam – Đất nước – Con người”, tiết học đã dựng lên hành trình xuyên Việt từ xứ Huế mộng mơ đến vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi, không chỉ làm mới không gian lớp học mà còn mở ra những hiểu biết về văn hóa, dân tộc cho học sinh; đồng thời giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đây là chuyên đề mở rộng không gian lớp học do Phòng GD-ĐT Q.11 tổ chức, thu hút đông đảo ban giám hiệu, giáo viên môn văn các trường THCS trên địa bàn quận tham dự.
Địa đạo Củ Chi trong… lòng lớp học
“Xin chào các bạn, chúng ta đang trên chuyến xe đến với Địa đạo Củ Chi. Nơi đây là trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân dân Củ Chi, từng là nỗi khiếp sợ của quân xâm lược trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Từ Sài Gòn, có nhiều con đường để thăm địa đạo…”, Nguyễn Thành Tài (lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Huệ) dẫn dắt câu chuyện đầy sôi động, duyên dáng. Ở hành trình mở đầu trong tiết học, Tài nhập vai một hướng dẫn viên du lịch, có nhiệm vụ đưa lớp học khám phá Địa đạo Củ Chi huyền thoại. “Các bạn có biết vì sao vùng đất này lại có tên gọi là Củ Chi không?”, sau câu hỏi của Tài, phía dưới lớp nhiều cánh tay giơ lên…
Đồng hành với Tài trong hành trình là một bạn nữ học cùng lớp. Bằng chính những trải nghiệm thực tế trong các lần ghé thăm địa danh, cả hai hướng dẫn viên đã dẫn dắt lớp học “ngược dòng” lịch sử về với Địa đạo Củ Chi trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thăm vùng “đất thép thành đồng” hồi sinh trong hòa bình. Đặc biệt, giữa lòng địa đạo… trong lớp học, học sinh 2 trường đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại nơi đây để đánh đổi nền hòa bình như ngày hôm nay.
Lựa chọn Địa đạo Củ Chi làm điểm đến của chuyến hành trình, cô Nguyễn Thị Huyền Trang (giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Huệ) cho hay đây là địa danh rất gần gũi với học sinh về vị trí địa lý và mang đậm tính giáo dục lịch sử. Với địa danh này, có thể nhiều em đã có dịp trải nghiệm nhưng cũng có nhiều em chưa đặt chân đến. Những video về Địa đạo Củ Chi sử dụng trong suốt tiết học đều là những thước phim do chính các em tự ghi lại trong lần ghé thăm nơi đây, vì thế lớp học có không gian sống động và chân thực như đang ở giữa lòng địa đạo.
Về xứ Huế nghe ca Huế, thả đèn hoa đăng
Sau những phút giây trầm lắng cùng lịch sử, chuyến hành trình tiếp tục xuôi về xứ Huế với màn hóa thân thành các nghệ sĩ Huế mộng mơ của học sinh Trường THCS Lữ Gia. Ở điểm đến này, lớp học được thiết kế với cầu Tràng Tiền nghiêng bóng sông Hương cùng thuyền rồng, với những chiếc nón Huế và cả những tà áo dài do chính học sinh trong trường tự vẽ. Xuôi dòng sông Hương, học sinh hai trường đã được tìm hiểu những nét đặc trưng của xứ Huế, hòa mình vào không gian ca Huế (nhã nhạc cung đình Huế), khám phá các loại nhạc cụ trong ca Huế và được thả đèn hoa đăng ngay trong không gian lớp học.
Thể hiện tài tình điệu Lý mười thương, Lê Vũ Yến Nhi (lớp 7/3 Trường THCS Lữ Gia) đã nhập vai thành… người con gái Huế từ giọng nói đến trang phục. Chưa từng có dịp ghé Huế, để thể hiện điệu lý này, Yến Nhi cho hay em phải tìm hiểu rất nhiều trên mạng xã hội, dày công tập luyện trong vòng 4 tuần. “Ca Huế hát phải thật nhẹ để sao cho rặt giọng Huế, dù ở những nốt thăng nốt trầm cũng vẫn phải giữ giọng Huế. Khi hóa thân, em như được về thăm Huế, được thả đèn hoa đăng trong đêm Huế huyền hoặc”, Yến Nhi bày tỏ.
Cô Nguyễn Thụy Ái (Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia) thả đèn hoa đăng cùng học sinh
“Tôi thật sự ấn tượng và đánh giá cao sự đầu tư công phu và giá trị kiến thức mà các em học sinh, giáo viên môn văn 2 trường đã xây dựng trong chuyên đề. Qua chuyên đề, mong rằng các thầy cô sẽ tiếp tục chủ động làm mới các tiết học để mang đến sự hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Võ Minh Tuấn Kiệt (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.11) bày tỏ. |
Chia sẻ về hành trình đến xứ Huế, cô Phạm Thụy Ngọc Quỳnh (giáo viên môn văn Trường THCS Lữ Gia) cho hay trong SGK ngữ văn 7 có tác phẩm Ca Huế trên sông Hương. Học về tác phẩm nhưng không phải học sinh nào cũng có dịp nghe ca Huế để cảm nhận sâu sắc nhất về giá trị của loại hình nghệ thuật này. Chuyến hành trình này mong muốn mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế nhất để hiểu về tác phẩm, hiểu về Huế. Đồng thời cho các em cơ hội để khám phá một vùng đất tươi đẹp của đất nước.
Cô Ngọc Quỳnh cho biết thêm, ca Huế được thế giới công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do đó, đưa ca Huế đến học sinh còn là hình thức để giáo dục cho các em hiểu và gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. “Đất nước mình tươi đẹp lắm. Từ hành trình này giáo dục các em tình yêu quê hương đất nước, thêm tự hào về dân tộc”, cô Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Trong khi đó, cô Đặng Thị Thu Uyên (Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Lữ Gia) nhận định: “Môn văn thường khiến học sinh dễ nhàm chán. Bằng hình thức mở rộng không gian lớp học, những không gian mới được mở ra là Huế, Địa đạo Củ Chi để học sinh khám phá, đưa môn văn đến gần với các em hơn. Theo đó, các em tự mình trải nghiệm, tự mình tìm hiểu kiến thức, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng. Vì thế, giúp phát huy tối đa sự sáng tạo của học sinh”.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)