Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà máy tái chế pin của Mỹ ở Mexico thải chì ra môi trường gấp 20 lần mức cho phép ở Mỹ. Người lao động trong ngành công nghiệp này có máu nhiễm chì cao hơn 3 lần so với công nhân cùng ngành ở Mỹ. Đặc biệt, hiện tượng máu nhiễm chì của trẻ em sinh sống gần các cơ sở sản xuất pin ở nước này còn cao hơn gần 13 lần so với các trẻ em sinh sống cùng môi trường ở Mỹ.
Tái chế pin ở Mỹ rất khó khăn và tốn kém. Công việc này được thực hiện trong phòng kín như những phòng thí nghiệm tại các nhà máy cơ giới hóa cao. Các ống khói được trang bị thiết bị lọc và xung quanh nhà máy được gắn các thiết bị theo dõi chì.
Theo New York Times, pin công nghiệp và bình ắc quy từ các phương tiện vận tải qua sử dụng xuất khẩu sang Mexico tăng từ 6% năm 2007 lên đến 20% hiện nay. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, hơn 60 chiếc xe tải hạng nặng chở đầy pin băng qua biên giới mỗi ngày. Ước tính, khoảng 20 triệu cục pin sẽ được chuyển qua biên giới năm nay, đó là chưa kể đến số lượng pin lậu còn nằm trong những hàng hóa qua sử dụng.
Dọc biên giới Mexico, nơi chính phủ Mỹ tập trung ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp và ma túy thì hầu như không có nỗ lực nào ngăn chặn nhập lậu các loại chất thải độc hại có chứa chì. Thật mỉa mai khi chỉ vì muốn giảm chi phí sản xuất, tránh bị phạt vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động, muốn tránh mức thuế cao vì tái chế pin…, người Mỹ chỉ cần mang sang biên giới và mặc nhiên tái chế. Luật pháp Mỹ cấm tái chế pin thô, nhưng không cấm các công ty “xuất khẩu việc làm và sự nguy hiểm” sang những nước mà tiêu chuẩn sống còn thấp và luật pháp còn lỏng lẻo như Mexico.
Bình luận (0)