Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam báo cáo dự kiến sẽ tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 5.744 người trong thời gian 20-5 đến 3-6. Theo đó, việc giải quyết chế độ chính sách theo kế hoạch Công ty đưa ra cao hơn quy định của Bộ luật Lao động.
Lao động Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam bị dừng hợp đồng lao động sẽ được giải quyết chính sách cao hơn quy định
Chiều 18-5, UBDN TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP đã thông tin về tình hình chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q. Bình Tân).
Mỗi năm được nhận 0,8 tháng tiền lương
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã chủ động làm việc và báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động với UBND TP, Sở LĐ-TB&XH và UBND Quận Bình Tân.
Theo báo cáo của công ty, số lượng dự kiến sẽ tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 5.744 người.
Thời gian tiếp xúc gặp gỡ thỏa thuận chia thành 2 đợt, vào ngày 20-5 với 4.519 lao động; ngày 3-6 là 1.225 lao động.
Thời gian chấm dứt hợp đồng lao động cũng theo 2 đợt. Đợt 1, vào ngày 24-6; đợt 2 vào ngày 8-7.
Độ tuổi từ 21-30 tuổi chiếm 6,8%; từ 30-40 tuổi chiếm 39,6%; trên 40 tuổi chiếm 53,6%.
Thâm niên công tác dưới 5 năm chiếm 4,1%; từ 5-10 năm 12,7%; từ 10-15 năm 44,1%; từ 15-20 năm 24,2%; trên 20 năm 14,9%.
Các trường hợp không đưa vào diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng gồm các trường hợp đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; các trường hợp khó khăn như hộ nghèo, lao động khuyết tật; các trường hợp trong cùng gia đình (vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em,…); trừ trường hợp người lao động tự nguyện đưa ra đề nghị thỏa thuận với công ty.
Công ty này cũng tạo điều kiện để người lao động nghỉ việc có con nhỏ vẫn được tiếp tục theo học tại trường mẫu giáo của công ty. Đồng thời, sẽ chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty (bao gồm cả những năm người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1-1-2009 đến nay), cứ mỗi năm 0,8 tháng tiền lương (bình quân 6 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động).
Kể từ ngày hai bên đạt thỏa thuận đến khi chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không đến làm việc nhưng vẫn được công ty trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ; trả tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm mà người lao động chưa nghỉ hoặc nghỉ chưa hết.
Ông Lâm cho biết, việc giải quyết chế độ chính sách theo kế hoạch công ty đưa ra cao hơn quy định của Bộ luật Lao động. Thời gian chi trả các khoản chế độ từ ngày 30-6 đối với đợt 1 và ngày 14-7 đối với đợt 2.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã phối hợp với công đoàn, bộ phận nhân sự công ty này chuẩn bị cho công tác khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động vào ngày 20-5.
Đồng thời, chuẩn bị nhu cầu tuyển dụng của 16 doanh nghiệp với 4.960 vị trí việc làm trong các lĩnh vực: may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ ăn uống, lễ tân, bảo vệ để triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Chuẩn bị các tài liệu tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại công ty này là 2.247/2.358 lao động bị cắt. Trong đó, 581 lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM, 1.666 lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp tại các tỉnh; 46 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Số lao động có nhu cầu tìm việc làm chiếm tỉ lệ thấp do đa phần người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm việc làm thời vụ, không ký kết hợp đồng lao động để vừa làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tình hình quan hệ lao động cơ bản được giữ ổn định
Thông tin về kế hoạch ứng phó với việc hàng nghìn lao động mất việc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&Xh cho biết, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Bảo hiểm Xã hội thành phố, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức để theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động.
Từ tháng 4-2023 đến nay, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể, tình hình quan hệ lao động tại thành phố cơ bản được giữ ổn định, hài hòa.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, các sở, ban, ngành, địa phương đang chủ động, tích cực thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình quan hệ lao động, biến động lao động, chủ động giải pháp hỗ trợ kịp thời, phòng ngừa tranh chấp tập thể, ngừng việc; phối hợp với các sở, ban, ngành để tham gia giải quyết.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi sát tình hình và phương án giảm lao động tại các doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn.
Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung – cầu lao động. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).
Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định.
Sở LĐ-TB&XH đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố chủ động kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp.
Sở LĐ-TB&XH dự kiến thị trường lao động trong thời gian tới vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may – giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ…
Tuy vậy, ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính – ngân hàng… tăng về nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực này.
N.Trinh
Bình luận (0)