“Điều này (sự bất lực), dĩ nhiên đã gây hại đến mối quan hệ của chúng ta, trước tiên là giữa hai chính phủ”, Thủ tướng Putin phát biểu trong buổi phỏng vấn với đài truyền hình CNN.
Ngày 8/8 Tbilisi đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Nam Ossetia, nhằm giành lại sự kiểm soát đối với vùng ly khai này. Ít nhất 64 lính gìn giữ hoà bình của Nga tại đây và hàng trăm dân thường Nam Ossetia đã thiệt mạng, cùng với hàng ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Thủ tướng Putin cho biết Nga đã hi vọng Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột Gruzia – Nam Ossetia và ngăn không cho Gruzia tấn công Nam Ossetia.
“Chúng tôi đã hi vọng Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột và ngăn các hành động hiếu chiến của lãnh đạo Gruzia”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, “Chính quyền Mỹ không những không ngăn được lãnh đạo Gruzia thực hiện hành động tội ác mà phía Mỹ, trên thực tế, còn huấn luyện và trang bị cho quân đội Gruzia”.
7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới hôm thứ ba vừa qua đã lên án quyết định công nhận sự độc lập của hai vùng ly khai thuộc Nga, và kêu gọi Mátxcơva rút quân khỏi Gruzia. “Chúng tôi, các ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ và Anh, lên án hành động của thành viên nhóm G8 của chúng tôi”, nhóm G7 ra tuyên bố chung.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Putin cho biết Nga không có ý định “ngoảnh mắt làm ngơ” trước việc công dân của họ bị giết hại chỉ vì là thành viên của G8.
Nói về mối quan hệ với phương Tây, ông Putin cho biết Nga sẽ không dùng năng lượng để đạt được mục đích của mình, bởi Nga cũng phụ thuộc vào sự ổn định của nguồn dầu khí.
Tuy nhiên, ông Putin cho biết Nga đã cấm cửa 19 nhà xuất khẩu gia cầm của Mỹ vào nước này, do họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn và y tế. Ngoài ra, 29 công ty khác cũng đã được cảnh báo “nâng cao tiêu chuẩn nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm”.
Tổ chức hợp tác Thượng Hải ủng hộ Nga
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) – gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan – hôm qua đã khai mạc tại thủ đô Dushanbe, Tajikistan với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và các lãnh đạo Trung Á.
Tại hội nghị thường niên, Trung Quốc và các nước thành viên của SCO đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành động của Nga tại Gruzia và Nam Ossetia sau cuộc xung đột gần đây.
Một tuyên bố chung của SCO đưa ra ngày 28/8 viết: “Lãnh đạo các nước thành viên của SCO hoan nghênh việc ký kết thoả thuận gồm 6 điểm nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Nam Ossetia và ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong việc thúc đẩy hoà bình và hợp tác trong khu vực”.
6 nhà lãnh đạo trong SCO cũng kêu gọi đối thoại hoà bình để giải quyết những căng thẳng đang gia tăng.
Đại sứ Belarus tại Mátxcơva ngày 28/8 cho hay, Belarus sẽ công nhận độc lập của Abkhazia và South Ossetia trong 1 hoặc 2 ngày tới. Nếu điều đó xảy ra, Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên sau Nga công nhận độc lập của 2 vùng đất ly khai của Gruzia. |
“Các thành viên của SCO rất lo ngại về những căng thẳng liên quan tới Nam Ossetia và kêu gọi tất cả các bên giải quyết một cách hoà bình những vấn đề tồn tại thông qua đối thoại”, tuyên bố chung của SCO viết.
Tổ chức hợp tác Thượng Hải, được thành lập năm 2001 như một đối trọng với ảnh hưởng với NATO. SCO bao gồm các thành viên Nga, Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á.
Hội nghị thượng đỉnh của SCO diễn ra chỉ một ngày sau khi ngoại trưởng các nước Canada, Đức, Italy, Mỹ và Anh đưa ra một tuyên bố chung lên án sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hoà bình Nga ở Gruzia và sự công nhận của Mátxcơva đối với 2 khu vực ly khai.
(Theo dantri.com.vn)
Bình luận (0)