Vừa qua, tại TP HCM chính thức ra mắt Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF Fund). Sự kiện này đã gây không ít dư luận và được hàng triệu người dân Việt Nam quan tâm vì một nền bóng đá trẻ của Việt Nam. Nhân sự kiện này, DĐDN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Khắc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Cty CP Vincom, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ PVF Fund.
Ông Hiệp cho biết: PVF Fund ra đời từ những hâm mộ do Quỹ Thiện Tâm, Cty cổ phần Vincom và Cty CP Vinpearl sáng lập, với tổng nguồn vốn ban đầu là 80 tỷ đồng.
– Ông kỳ vọng gì về việc thành lập ra Quỹ PVF Fund?
Bóng đá Việt Nam có lẽ là mối quan tâm của hàng triệu người Việt. Mỗi khi sắc áo đỏ của các cầu thủ Việt Nam xuất hiện trong các giải đấu trong và ngoài nước, những trái tim người hâm mộ luôn đập rộn ràng. Chúng tôi những người hâm mộ của Quỹ Thiện Tâm, Cty Vincom, Cty Vinpearl cũng "đồng hành" với sự tâm huyết ấy, nhưng bằng một hoạt động thiết thực: Thành lập quỹ đầu tư cho những tài năng bóng đá trẻ, nhưng không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà vì khát khao đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới, hoà nhịp với bóng đá khu vực và trên thế giới.
Hiện tại, quỹ đã có kế hoạch hợp tác đào tạo với một trong số các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới như CLB Barcelona (Tây Ban Nha), CLB Bayern Munich (Đức), CLB Ajax Amsterdam (Hà Lan), CLB West Ham (Anh).
|
Quỹ PVF Fund sẽ đầu tư và hỗ trợ phát triển các em thiếu niên có tài năng trong lĩnh vực bóng đá của các tỉnh, thành phố trên cả nước Việt Nam. Mục tiêu của quỹ là sẽ tạo ra một hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp và có trách nhiệm, để mỗi trẻ em có niềm đam mê có điều kiện "cất cánh" cùng ước mơ bóng đá. Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng một hệ thống đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đào tạo các cầu thủ trẻ trở thành các cầu thủ thật sự tài năng và đạo đức.
– Kế hoạch cụ thể của Quỹ PVF Fund là gì, thưa ông?
Với kỳ vọng lớn lao, nên những phần việc phải làm của quỹ sẽ rất "đồ sộ". Chúng tôi dự kiến tuyển chọn các em thiếu niên từ 7 tuổi trở lên để đào tạo bóng đá một cách bài bản, chuyên nghiệp với các chuyên gia trong và ngoài nước. Các em sẽ được sinh hoạt, tập luyện theo chế độ nội trú, một buổi học, một buổi tập. Kinh phí đào tạo dự kiến là 300 triệu đồng/học viên/năm, với thời gian đào tạo trung bình là 10 năm, hoàn toàn do quỹ hỗ trợ. Các cầu thủ được đào tạo ra sẽ là những cầu thủ có chất lượng, đạt tầm cỡ quốc tế. Họ sẽ ký hợp đồng độc quyền với quỹ hoặc đơn vị được ủy quyền. Những cầu thủ này sẽ được chuyển nhượng cho các CLB trong và ngoài nước. Số tiền thu được sẽ tái đầu tư vào quỹ để phát triển tài năng mới. Một kế hoạch khá chi tiết cũng đã được vạch ra cho hành trình chắc chắn không hề thiếu "gian nan" của công việc "trồng người" này. Trên thực tế, "thực lực" của thể thao Việt Nam hiện nay chưa thể đủ để đáp ứng những yêu cầu đào tạo này. Bởi vậy, để đào tạo các cầu thủ có trình độ quốc tế, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng phương pháp huấn luyện, giáo án và huấn luyện viên từ các trung tâm đào tạo của các câu lạc bộ nổi tiếng Châu Âu, là nơi có công tác đào tạo cầu thủ hết sức bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả. Hiện tại, quỹ đã có kế hoạch hợp tác đào tạo với một trong số các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới như CLB Barcelona (Tây Ban Nha), CLB Bayern Munich (Đức), CLB Ajax Amsterdam (Hà Lan), CLB West Ham (Anh)… Đồng thời sẽ mời những HLV nổi tiếng thế giới tới đào tạo cũng đã được tính tới, với mục tiêu để những cầu thủ tương lai có được cơ hội "hội nhập" và "bình đẳng" với bóng đá quốc tế, trên cơ sở đó có thể góp phần khuếch trương bóng đá Việt Nam trong tương lai.
– Đâu là đối tượng học viên chính mà Quỹ PVF Fund sẽ nhắm tới, thưa ông?
Theo như dự kiến, sang năm 2009 chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển sinh, những học viên của các lớp học này sẽ được tuyển chọn tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Hàng năm các tuyển trạch viên của quỹ (huấn luyện viên nước ngoài và trợ lý) sẽ tới các địa phương trên cả nước sơ tuyển lấy khoảng 150 thí sinh, những thí sinh này sẽ tham gia vòng chung khảo tuyển chọn tại Trung tâm đào tạo của quỹ để chọn lấy tối đa khoảng 50 học viên cho mỗi khóa thuộc lứa tuổi U12-13. Ngoài ra các cầu thủ xuất sắc tham gia giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc được tổ chức hàng năm, cũng như chọn học viên các lứa tuổi U11-13 của các tỉnh thành trên cả nước… sẽ được đặc cách chọn tham gia khoá học. Mỗi khóa học dự kiến kéo dài 5 năm đối với lứa tuổi tuyển chọn U12-13, 7 năm với lứa U10-11 và khoảng 9 năm với lứa học viên U8-9. Tuy nhiên trong thời gian đầu quỹ sẽ chỉ dừng ở việc đào tạo các học viên thuộc lứa U12-13.
– Không ít người còn băn khoăn về việc đầu tư vào cơ sở vật chất cho dự án. Vậy ông nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Vấn đề cơ sở vật chất cũng là mối quan tâm hàng đầu của dự án "Vì tương lai bóng đá Việt" này. Dự kiến, một Trung tâm đào tạo của quỹ sẽ được xây dựng ở TP HCM với diện tích 30 ha. Dự kiến tháng 10/2009, Trung tâm sẽ được khởi công với đầy đủ các hạng mục gồm 5 sân vận động, nhà luyện tập và một hệ thống đồng bộ, hoàn chỉnh nhà dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ cho vận động viên và du khách tham quan… Trong thời gian chờ đợi Trung tâm đào tạo được xây dựng xong (khoảng 2 năm), công tác đào tạo vẫn được quỹ tiến hành bằng việc thuê cơ sở vật chất của Trung tâm Thể thao Thành Long. Ngoài việc được đào tạo về bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế; ngay từ đầu các em cũng sẽ được các bác sĩ thể thao chăm sóc và rèn luyện về thể lực; được học văn hóa tại các trường như các em nhỏ khác. Trong suốt quá trình học tập, các em sẽ được quản lý và giáo dục bởi các bảo mẫu và trợ lý huấn luyện viên, đảm bảo khi tốt nghiệp các cầu thủ sẽ là những con người sống có kỷ luật, có đạo đức và văn hóa tốt.
– Xin cảm ơn ông!
Viết Đoàn (dddn)
Bình luận (0)