Ông Tư Nai bức xúc việc lò heo gây ô nhiễm
|
Hiện nay, người dân sống dọc hai bờ rạch Thủ Tắc, rạch Lăng và rạch Xuyên Tâm thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng.
Khổ vì muỗi và chuột
Anh Nguyễn Văn Hùng – Tổ trưởng Tổ 30, P.26 phân trần: “Cứ tưởng sau khi có cầu Đỏ mới thì nạn xả rác bừa bãi hai bên con rạch sẽ hết. Ai ngờ mọi chuyện vẫn như cũ, sáng nào đi tập thể dục tôi cũng thấy có thêm vài đống rác tự phát dưới chân cầu”. Theo anh Hùng, đây chính là lý do làm cho muỗi và chuột sinh đẻ nhanh, gây ô nhiễm lớn đến môi trường. Đúng như anh Hùng nói, mặc dù đã 8 giờ sáng nhưng đàn muỗi vẫn còn “oanh tạc” khắp nơi, nhìn xuống dòng kênh đen thì chỗ nào cũng có lăng quăng ngay dưới đám lục bình dơ bẩn. Mặc dù người ngồi uống nước trò chuyện râm ran trong mấy quán cà phê dã chiến, nhưng lũ chuột cống vẫn vô tư chạy qua chạy lại để kiếm thức ăn thừa và rác bẩn một cách lì lợm. Thế nhưng theo anh Hùng, chuột và muỗi ở bờ bên này rạch chưa thấm tháp gì so với phía bên kia. Khi chúng tôi đi qua cầu Đỏ để sang con hẻm 12 phía bên P.13 mới thấy lời anh Hùng nói quả không sai. Nhiều đám cỏ hoang vu, các bãi rác “lộ thiên” đã trở thành “thiên đường” lý tưởng của muỗi và chuột.
Đó cũng là tình trạng chung ở khu dân cư hai bên rạch Lăng và rạch Xuyên Tâm thuộc P.13. Ông Nguyễn Văn Nai – nhà ở sát bờ rạch dưới chân cầu Băng Ky than vãn: “Hàng năm cứ đến mùa này là chúng tôi phải chịu mùi hôi thối từ dưới nước bốc lên. Khoảng hơn 5 giờ chiều, nếu ai còn nằm võng là chịu không thấu với muỗi”. Vì nhà ở sát bờ rạch nên ông dẫn chúng tôi ra phía sau để chứng minh. Khi ông Tư Nai lấy que chọc vào đám lục bình thì hàng trăm con muỗi bay lên giống như người ta rải tiêu. Tuy nhiên, theo ông Tư Nai, cứ chèo xuồng ra giữa dòng thì mới chứng kiến được “đội quân” hùng hậu đó. Trong nhà ông Tư Nai sắm 3 cái vợt chích muỗi nhưng như ông nói: “Nổ hết nổi vì muỗi quá nhiều”.
Còn nhiều vướng mắc
Nằm gần với các con rạch trên, nên các trường MN Bình Lợi Trung (P.13), MN Thiên Thần, MN Sao Mai (P.26) phải tự “cứu mình” bằng cách giăng mùng cho trẻ ngủ, xức dầu và thường xuyên làm sạch vệ sinh xung quanh các lớp học. “Có như vậy mới hạn chế và đề phòng được dịch sốt xuất huyết hoặc các bệnh liên quan đến các cháu nhỏ” – cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường MN Bình Lợi Trung cho biết.
Anh Hùng chia sẻ: “Gần đây, nhờ khu phố và phường giáo dục, tuyên truyền nên ý thức người dân được nâng cao hơn. Mỗi tháng đều có đội phòng dịch xuống xịt thuốc hai lần, có khi bằng xe bốn bánh chứ không chỉ bơm bằng tay”. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do dây cản bèo trước đây ở ngoài cống Bình Triệu đã bị đứt không ai sửa lại nên rác, lục bình từ nơi khác dồn về, không quay trở ra được. Ông Tư Nai cũng cho rằng, cách đó 300m có một lò heo lớn thường xuyên xả phân, huyết dơ, lông heo xuống rạch đã làm cho cả khu vực ô nhiễm thêm. Chị Nga, hàng xóm của ông Tư Nai khẳng định, lò heo N.P một đêm làm thịt cả trăm con heo, bò, trâu nhưng tất cả mọi rác thải đều cho xuống sông. Để khẳng định lời nói của mình, chị Nga đã chỉ cho chúng tôi chỗ dòng máu đỏ chảy ngoằn ngoèo trên con rạch màu đen. Có những lúc – theo chị Nga – lò heo xả nhiều làm cho nước con rạch toàn màu đỏ lòm, phân và lông heo trôi dập dềnh sau nhà nên không dám lại gần. Khi được hỏi tại sao không phản ánh lên phường thì chị lại bi quan hơn: “Chính quyền biết nhưng không quan tâm, bên y tế có xuống xịt thuốc nhưng làm chiếu lệ. Mấy năm nay, lò heo dù bị phản ảnh nhưng không thấy ai cấm, gần Tết số lượng giết thịt còn tăng thêm”. Để làm rõ hơn những điều mà người dân phản ánh và bức xúc, chúng tôi đã đến trực tiếp làm việc với UBND P.13. Nhưng khi chúng tôi sang liên hệ với Phó chủ tịch phụ trách môi trường đô thị và Chủ tịch P.13 là ông Trần Lê Xuân thì cả hai vị tìm cách từ chối tiếp vì lý do đang bận họp?!?
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Chỉ là giải pháp tạm thời
Ông Tạ Đức Nhân – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Để góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân trên địa bàn chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ, trong tháng 12-2013 vừa qua, trung tâm đã thực hiện nhiều đợt phun hóa chất bằng máy lớn và phối hợp với trạm y tế phường phun thuốc diệt muỗi với máy nhỏ (ULV) đeo vai nhằm giảm mật độ muỗi tại các phường 11, 12, 13, 17, 24 và 25. Bên cạnh đó, trung tam còn tổ chức vận động mọi người thực hiện diệt lăng quăng trước và sau khi phun hóa chất tại các cơ quan, đơn vị công trình, hộ dân. Theo kết quả khảo sát, ở đây chủ yếu là muỗi Culex nên chúng tôi đã dùng 50 lít Argiodelta 2EN hóa chất được cấp từ Trung tâm Y tế dự phòng TP với tổng kinh phí 27,14 triệu đồng”. Thế nhưng theo ông Nhân, đây là giải pháp tạm thời chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc chính là ý thức tự giác chấp hành bảo vệ môi trường của người dân vì môi trường sống là của cộng đồng và do cộng đồng quyết định.
|
Bình luận (0)