Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Qata nhập khẩu trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

 Sinh viên Trường Đại học Cornell ở Qata. Ảnh: I.T

Ngày nay hội nhập kinh tế là một thực tế, một yêu cầu khách quan, một xu thế của thế giới. Hội nhập giáo dục là hệ quả tất yếu của hội nhập kinh tế. Nền giáo dục quốc gia không còn được hoạch định, điều hành theo kiểu “đóng cửa dạy nhau” nữa. Trong lĩnh vực đào tạo chuyên viên, nghiên cứu khoa học điều đó càng thấy rõ. Nước này mở trường đại học ở nước khác, giữa các nước trao đổi Giáo sư, sinh viên, công trình nghiên cứu, mở hội thảo khoa học chung, phong học hàm học vị “xuyên quốc gia”… là chuyện bình thường.
Các trường đại học ở Qata sau đây là một minh chứng cho xu thế hội nhập giáo dục trên phạm vi toàn cầu.
Sáu trường đại học của Mỹ đã mở “cơ sở 2” ở Qata. Bốn trong số các trường đó (Texas A&M, Virginia Common-wealth, Weill cornell và CarnegieMellon) vừa cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa đầu tiên. Lễ trao bằng được diễn ra rất long trọng với sự có mặt của các quan chức cao cấp của chính quyền và tôn giáo, trong đó có Tổng thống Nam phi Thabo Mbek. Dàn nhạc Philacmonic Hoàng gia Luân Đôn và danh ca Ý nổi tiếng Andrea Bocelli đến biểu diễn trong 40 phút, với thù lao 2,3 triệu USD!
Các trường đều tụ về Doha, trong Thành phố Giáo dục do Tổ chức của Qata về giáo dục, khoa học và phát triển cộng đồng thành lập, dưới sự chỉ đạo của phu nhân Tổng thống. Bà là người tài trợ xây dựng cơ sở vật chất và lương bổng cho công nhân viên, giáo sư, theo một hợp đồng với Mỹ trong 10 năm. Tổ chức tư nhân này bảo đảm cung cấp một nền giáo dục cao cấp, hiện đại. Tất nhiên là với giá rất cao! Đối với mỗi sinh viên, mỗi năm học đại học ở đây đắt gấp hai lần 4 năm học ở Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất là chất lượng giáo dục, tất nhiên, nhưng điều hấp dẫn nhất là sự bảo đảm có việc làm chắc chắn sau khi tốt nghiệp.
Cơ ngơi của trường rộng đến 1.400 hecta, hiện có 2.500 sinh viên mà 46% là người Qata, còn lại thuộc khoảng 20 quốc tịch khác. Khóa đầu có 122 sinh viên, sau đó họ sẽ đi làm luận án tiến sĩ ở Đại học Georgetown và Northwestern. Theo Fathy Saoud – Chủ tịch Hội Sáng lập của Qata – tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên cũng như ở Hoa Kỳ, vì mục tiêu là “Qata hóa” đội ngũ cán bộ kỹ thuật (thay thế người nước ngoài).
Ahmed al-Bakri đã đăng ký học Đại học Texas A&M, nhưng anh nói: “Chúng tôi có khí đốt và dầu cần khai thác, vậy cần đi đâu, nếu không phải là Qata?”, và anh trở về học công nghệ dầu ở ngay nước mình. Học xong chắc chắn anh sẽ được làm việc ở Viện Dầu Quốc gia Qata. Anh nói: “Chính các giáo sư ở Mỹ qua dạy theo chương trình ở Mỹ, vậy thì cần gì đi qua Mỹ? Chỗ khác nhau là số sinh viên ở Mỹ đông hơn, thế thôi!”.
Từ 2003, Đại học do Mỹ mở ở Qata có các ngành hóa dầu, điện tử, cơ và công nghệ hóa. Khuôn viên chiếm trên 5 hecta, gồm 3 phòng họp, 10 giảng đường, 30 phòng thí nghiệm cho sinh viên, và 32 phòng thí nghiệm cho nghiên cứu sinh. Tiền đầu tư cho nghiên cứu rất dồi dào, vì sự phát triển của Qata và vùng. Một trung tâm khoa học và kỹ thuật được lập ra nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cho cả sinh viên và các nhà máy EADS, Exxon Mobil, General Electric, Microsoft, Rolls-Royce. Shell và Total đã đầu tư 225 triệu USD trong nhiều chương trình. Hơn 130 triệu USD được dành tài trợ các đề tài nghiên cứu có giá trị.
Riêng Đại học Carnegie Mellon cung cấp 3 ba mô hình đào tạo từ tháng 8-2004: quản lý kinh doanh, hệ thống truyền thông, và tin học. Khoa Nghệ thuật của Đại học Virginia Commomwealth, mở năm 1998, ưu tiên cho nữ. Khoa này dạy về họa đồ, mốt và kiến trúc nội thất. Nhiều nữ sinh viên đến đây học thay vì ra nước ngoài vừa xa nhà vừa tốn kém.
Sau ngày 11-9-2001, tuy không nói ra, nhưng các trường đại học Hoa Kỳ cũng không nhiệt tình đón sinh viên châu Phi đến học như trước. Bản thân các sinh viên châu Phi cũng không háo hức đến Hoa Kỳ để học, vì những nguyên nhân rất tế nhị. Trong khi đó nhu cầu học tập của họ ngày càng bức xúc nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải pháp “nhập khẩu đại học” là một sáng kiến đem lại lợi ích nhiều mặt, lâu dài, đáng nhân rộng. Rõ ràng hòa nhập giáo dục là một xu thế toàn cầu, song hành với hòa nhập kinh tế.
Phan thanh Quang
 (Theo Courrier National)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)