Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Qatar: Thu hút chất xám giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Qatar đang thu hút chất xám giáo dục của các nước (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Hiện nay việc giao lưu trong lĩnh vực GD-ĐT giữa các quốc gia trên thế giới là chuyện quá bình thường. Nhưng tinh thần và ý nghĩa tốt đẹp của việc “xuất khẩu” GD-ĐT đôi khi cũng bị vẩn đục bởi những động cơ không trong sáng, nhiều khi dẫn đến những kết quả không mong muốn làm ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai bên.
Ai cũng biết Qatar là một trong những nước giàu nhất vùng Vịnh nhờ có nguồn dầu dồi dào, còn nhiều hơn nước giếng! Nhà nước bao cấp cho toàn dân việc ăn, ở, học hành, đặc biệt rất khuyến khích việc học (miễn học phí, bao ăn ở, tài trợ học sinh giỏi đi du học…). Nhưng có lẽ do được “chiều chuộng” quá nên thanh niên không thiết tha gì đến việc học. Do đó, biện pháp mời nước ngoài mở trường ĐH để đào tạo nhân tài cho đất nước về lâu về dài là khả thi nhất.
Vừa qua, Pháp đã mở Trường Cao cấp Thương mại (Haute École de Commerce: HEC) ở Doha, thủ đô của Qatar. Một ngôi trường mới rất đẹp như được cất trong tủ kính đem ra! Có khoảng 25 sinh viên ở độ tuổi 40, trong đó một nửa là người Qatar, những người khác đến từ Liban, Philippines, Ấn Độ đã bắt đầu lên lớp ở trường này. Những bài giảng của giáo dục bậc cao, tất nhiên là khó hiểu so với trình độ người học, khó về kiến thức đã đành mà còn khó vì ngôn ngữ sử dụng là tiếng nước ngoài (tiếng Pháp là chính, có cả tiếng Anh). Người ta gọi kiểu đào tạo đó là “đào tạo xa bờ”, như đánh cá xa bờ biển của nước mình. Từ nay kiến thức được xem như là công nghệ chuyển giao cho người bản xứ như công nghệ sản xuất ô tô, máy vi tính, đồ điện tử…
Ông Bernard Ramanantsoa, Tổng giám đốc HEC, nói: “Trung Đông là một vùng mà chúng tôi phải có mặt. Trường Insead đã có ở Abou Dhabi, London Business School ở Dubai, còn chúng tôi ở Qatar”. Đây là lần đầu tiên HEC có cả một cơ sở về giáo dục bề thế được thành lập bên ngoài nước Pháp. Phải mất ba năm thương thảo giữa Qatar Foundation (đơn vị sở hữu Education City – thành phố ĐH) với HEC, mới đi đến một sự thỏa thuận về việc mở trường cao cấp thương mại này. Ông Ramanantsoa còn cho biết: “Tôi đến Qatar từ tháng 5 năm 2007 theo lời mời của Giáo chủ. Sự có mặt của công ty lớn Total ở nước này từ 70 năm nay đã khích lệ chúng tôi, khiến chúng tôi chấp nhận lời đề nghị của phía đối tác Qatar”.
Đối với một đất nước còn trẻ như Qatar, yêu cầu của họ cũng rất đơn giản: hoàn thành việc đào tạo cán bộ tại chỗ và ngăn chặn việc chảy chất xám ra nước ngoài. HEC nhắm vào một mục tiêu lâu dài, đó là giao lưu kinh tế trong tương lai sẽ được thực hiện ở nơi mà những người lãnh đạo được đào tạo. Theo đó, những người lãnh đạo bản xứ sẽ chọn nơi đầu tư là những nước đã đào tạo ra họ, vì họ đã hiểu rõ luật lệ, cung cách làm ăn của xứ đó.
Như vậy, về lý thuyết rõ ràng hai bên đều có lợi. Nhưng việc người nước ngoài “cắm sào” vào Trung Đông là một việc làm rất nhạy cảm vì nhiều lý do, mà trước hết là sự khác biệt về tôn giáo. Có quá nhiều sự khác biệt giữa hai tôn giáo (Thiên Chúa giáo và Hồi giáo), hai phong tục tập quán.
Trường ĐH Sorbonne nổi tiếng của Pháp đặt chân vào Abou Dhabi năm 2006 cũng có những lời bàn tán là bằng được cấp cho những người không xứng đáng vì trình độ còn quá thấp; lớp học thì thưa thớt, quá ít người học; người dạy bị lóa mắt vì lương cao ngất ngưởng… Ông Jean Robert Pitte, cựu Giám đốc Sorbonne ở Paris IV, người đóng vai trò chủ chốt trong sự hợp tác giữa Sorbonne và chính quyền Qatar đã bị tố cáo là “bán nhãn hiệu Sorbonne hơi nhanh với giá quá rẻ”!
Thực ra những thủ lĩnh Hồi giáo ở Qatar rất muốn thu hút những trường ĐH và những trường của Pháp bởi vì họ muốn tỏ ra rộng rãi. Ông Pitte nói khôi hài trên Báo Figaro vào tháng 2 năm 2006: “Qatar là một quả bóng oxy trong lúc các trường ĐH của Pháp gặp khó khăn to lớn. Vì thế không lấy làm lạ khi tổ chức Qatar Foundation bỏ tiền tài trợ nhập khẩu HEC, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến chi trả lương cho giáo sư và trưởng khoa là ông Antoine Hyafil và cả bà phó khoa”.
Tuy nhiên, ông Bernard Ramanantsoa, Tổng giám đốc nhóm HEC lại nói: “Không nên mất tiền ở Qatar vì chưa chắc đã có lợi gì đâu”.
(theo L’Express
Phan Thanh Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)