Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quà biếu và món nợ

Tạp Chí Giáo Dục

“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” là điều ai cũng biết nên cứ bắt đầu vào năm học, đều đặn các dịp lễ tết như Tết Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày 20-11 rồi Tết Dương lịch, Tết Âm lịch… rất nhiều phụ huynh dành thời gian để đến thăm, tặng quà thầy cô giáo. Hầu hết các món quà đều xuất phát từ mong muốn cảm ơn công thầy cô vất vả dìu dắt con em mình suốt năm học trong lúc đồng lương giáo viên khó theo kịp thời giá. Thế nhưng cũng có những món quà hoàn toàn không vì ý nghĩa đó.
Nói vậy là vì ngay đầu năm học, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội đã đau xót nhắc lại phản ánh của phụ huynh. Chuyện rằng cô giáo chủ nhiệm lớp con của vị phụ huynh này mới đầu năm đã có những đánh giá không thật sự khách quan với học sinh. Tìm đến nhà cô giáo chủ nhiệm để hỏi thăm tình hình học tập của con, vị phụ huynh này không tin vào mắt mình khi thấy cô giáo tiếp phụ huynh nhưng tay lại cầm một tờ tiền giấy để “quạt mát”… Không nhận xét hay đánh giá về hành động này, không nêu tên cô, tên trường, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT chỉ đơn giản kể lại cho đông đảo đại diện ban giám hiệu các trường trong một buổi làm việc về nghiệp vụ giáo viên.
Vậy nhưng cũng phải nói thêm, đầu năm học nhưng cũng đã vào quý III của năm 2011, thế nhưng đến thời điểm này nhiều trường mầm non thuộc địa bàn thành phố chưa được hoặc được phân bổ một phần rất nhỏ định mức ngân sách chi cho mỗi học sinh. Hàng loạt các huyện được kể tên như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Mê Linh đến thời điểm này đều chưa chi đủ ngân sách trên đầu học sinh với mức 3,4 triệu đồng/trẻ. Có những trường gần 1.000 trẻ đi học nhưng mới được cấp 1,2 tỷ đồng trong khi theo định mức ngân sách cho năm 2011 nhà trường phải được cấp 3,4 tỷ đồng. Công việc kéo dài tới 10 giờ đồng hồ trong ngày, nhiều áp lực nhất phải kể đến giáo viên mầm non trong khi đó chủ trương được hưởng lương như viên chức nhà nước từ tháng 1-2011 của Hà Nội đến nay vẫn chưa hề được triển khai. Cũng ngay ở Hà Nội, nhiều giáo viên mầm non đi dạy như giáo viên trong biên chế nhưng lại không được ký hợp đồng và chỉ được hưởng mức lương tối thiểu thay vì lương theo thang bậc.
Khó khăn, vất vả của các thầy cô nếu có được sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh thì cũng nhẹ đi được phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền để thầy cô yên tâm đứng lớp. Thế nhưng nếu như không giữ được chữ tâm của người thầy thì những món quà mà phụ huynh mang đến kia sẽ là món nợ của ngành giáo dục.
Theo Duy Anh
(ANTĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)