Y tế - Văn hóaThư giãn

Quả cầu vàng 2015 – Giá trị của sự giản dị

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phim được thực hiện trong 12 năm – Boyhood – của đạo diễn Richard Linklater được vinh danh đầy thuyết phục
Đúng như dự đoán, bộ phim Boyhood (tạm dịch Thời niên thiếu) của đạo diễn Richard Linklater đã được vinh danh tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 72-2015 (giải thưởng do Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood trao tặng), diễn ra vào hôm qua, 12-1 (giờ Việt Nam) tại Los Angeles – Mỹ. Với giải thưởng quan trọng Phim tâm lý hay nhất và Đạo diễn xuất sắc, kết quả như biết trước này khiến công chúng điện ảnh hài lòng. Bởi không chỉ được giới chuyên môn khen ngợi hết lời, bộ phim cũng giành được phiếu bình chọn của khán giả điện ảnh khắp thế giới với vị trí 85 trong tốp 250 bộ phim hay nhất mọi thời đại (do IMDb, cơ sở dữ liệu điện ảnh trên internet, tổ chức bình chọn).
Boyhood là câu chuyện về quá trình trưởng thành của cậu bé Mason. Đạo diễn Richard Linklater đã quay bộ phim này  trong suốt 12 năm, sử dụng một dàn diễn viên không ràng buộc về mặt pháp lý để ghi lại những thay đổi chân thực nhất cả về ngoại hình lẫn cảm xúc nhân vật. Boyhood không có câu chuyện cụ thể, nó giống như cuốn nhật ký gia đình bằng hình ảnh,  ghi lại quá trình trưởng thành của một thành viên – một thói quen phổ biến của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, với con mắt của vị thi sĩ đời thường đối thoại với cả thế giới – một biệt danh mà báo chí phương Tây dành tặng cho đạo diễn  Richard Linklater – những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy cũng sẽ trở thành câu chuyện cực kỳ thu hút.
 

Đoàn làm phim Boyhood tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 72-2015 Ảnh: REUTERS
 Richard Linklater vốn được đánh giá là một trong những  tượng đài của điện ảnh độc lập Mỹ đương đại. Vị đạo diễn tài ba này có thể biến những câu chuyện đời vặt vãnh, những mẩu đối thoại vô thưởng vô phạt, những nhân vật không lấy gì làm đặc biệt thành những điều đáng xem, đáng bận tâm và suy ngẫm bằng lối kể đầy  ý nhị của mình. Hẳn nhiên, câu chuyện của ông thường rất hấp dẫn người xem. Richard Linklater luôn  định nghĩa, hình dung về thế giới bằng tất cả sự tinh tế, sâu sắc và từng trải của mình. Điều đó khiến ông đủ sức chiếm trọn trái tim khán giả điện ảnh.
Không khó để nhận ra công thức chung trong lối làm phim của ông: Ngôn ngữ bình dị, tự nhiên trong việc khai thác những mâu thuẫn “ngầm” của cuộc sống, Boyhood cũng không ngoại lệ. Nhân vật Mason lớn lên từng ngày và sự thay đổi trong con người của cậu bé cũng lớn dần theo những đổi thay của gia đình, cuộc sống. Bên trong cái hình hài nhỏ bé, ít nói ấy là sự già dặn, trải nghiệm và cả những hoang mang, phân vân về chính bản thân. Không ít lần lời thoại của các nhân vật đề cập đến việc “phải biết bản thân mình muốn gì” như thông điệp chính của phim, Boyhood nói đến điều mà ai cũng thấy quen thuộc đó là cảm giác hoang mang với chính cuộc sống của mỗi người. Để tồn tại trong cuộc sống muôn màu, giỏi giang, tài năng thôi chưa đủ, con người còn cần có bản lĩnh để đối mặt với lựa chọn và cả những thất bại chực chờ trong cuộc sống.
Với Boyhood, người xem vẫn dễ dàng nhận ra dấu ấn của Richard Linklater: Vừa dung dị, tinh tế vừa dày dạn, thâm trầm hơn sau những trải nghiệm của cuộc sống. Trước khi đến với điện ảnh, Richard Linklater là một công nhân làm việc trên giàn khoan dầu khí tại vịnh Mexico. Ông kể suốt khoảng thời gian đó, mình chỉ có 2 cách để giải trí: đọc sách và tranh thủ xem phim mỗi dịp trở về đất liền. Điện ảnh và văn học không chỉ kích thích Richard đến với điện ảnh mà còn tạo nên một vị đạo diễn rất khác biệt trong cách đối thoại với thế giới. Không bao giờ đẩy cái gì lên quá đà là phương châm của Linklater. Phim của ông vì thế luôn có vẻ gì thật thà, đáng tin và cảm động mà Boyhood là điển hình.
Giải thưởng Quả cầu vàng luôn được xem là bước ngoặt quan trọng hướng tới giải thưởng Oscar. Thực tế trong 2 năm gần đây, phim giành giải Phim truyện xuất sắc nhất – thể loại chính kịch của Quả cầu vàng – đều chiến thắng tại Oscar. Đó là trường hợp của Argo năm 2013 và 12 Years a Slave năm 2014. Đây là lý do công chúng tin rằng Boyhood sẽ tiếp tục giành phiếu áp đảo tại Oscar 2015.
Theo NLĐ


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)