Hàng chục năm nay có một thực trạng là các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn chú trọng, đề cao quá mức việc thi vào đại học (ĐH). Bên cạnh tiêu chí đỗ tốt nghiệp THPT cao, còn có tiêu chí có tỉ lệ học sinh (HS) vào ĐH cao. Nhiều vị quản lý coi tiêu chí thi đỗ ĐH cao (bất kể có sát hợp thực tế học hay không) là thành tích, thể hiện đẳng cấp của trường mình. Có trường còn mạnh dạn định hướng cho HS thi vào những trường ĐH “thường thường bậc trung” để dễ đậu! HS dù năng lực bản thân, sở thích nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu nhưng được thầy cô “đưa đường dẫn lối” thì luôn háo hức, nghe theo lời chỉ dẫn.
Hậu quả là sau 4 năm ĐH (gọi là “học đại” cũng được) với chi phí không nhỏ của gia đình, các em ra trường rồi bơ vơ giữa “chợ đời” kinh tế thị trường. Bằng cấp có sẵn nhưng việc làm không bao giờ có sẵn! Một mớ lý thuyết xa rời thực tế cộng với sự đào thải khắc nghiệt của kinh tế thị trường; hàng chục ngàn cử nhân đang ở tình trạng “hàng không” (ăn hàng và ở không!).
Có thể nói việc định hướng, đề cao quá mức việc thi vào các trường ĐH đã làm mất thời gian, tốn kém tiền bạc và cuối cùng là sinh viên ra trường để phải “tự bơi” để tồn tại. Từ đó tạo nên một áp lực lớn cho HS. Cụ thể, các em học sáng ở trường, chiều và tối học ôn thi ĐH. Nhiều HS luyện thi ĐH từ đầu lớp 10, coi đỗ ĐH mới là thành đạt, mới là học giỏi… Tại sao thầy cô giáo không định hướng, chỉ dẫn cho các em – dù là HS giỏi – thi vào các trường CĐ nghề, TC nghề? Việc định hướng học nghề (CĐ nghề, TC nghề) hầu như bị bỏ trống, “không có cửa” ở các trường phổ thông. Mặc dù nhu cầu việc làm có tay nghề hiện nay rất lớn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khát lao động có tay nghề chứ không cần cử nhân, thạc sĩ được đào tạo đại trà. Nhà trường hãy thương HS bằng tấm lòng thực của mình; định hướng thực lòng cho các em; đừng vì thành tích ảo của mình, đưa các em vào cảnh “dở khóc dở cười” khi cầm tấm bằng ĐH mà thất nghiệp. Thế mới biết “bệnh thành tích ĐH” nó trầm trọng cỡ nào.
Học ĐH thời kinh tế thị trường cũng đủ loại, đủ kiểu, đủ hình thức đào tạo – miễn là có tiền. Nhưng điều quan trọng là khi ra trường, nó được xã hội sử dụng hay không? Nhiều cử nhân, thạc sĩ giờ đây đã tỉnh ngộ – họ đang làm một “quy trình ngược” là đi học nghề để có việc làm như các bạn tốt nghiệp CĐ nghề, TCCN
Lam Hồng
Bình luận (0)