Dễ dãi, nể nang, sơ suất… là những từ đã được một số uỷ viên Thường vụ Quốc hội nói về việc thành lập trường Đại học, Cao đẳng hiện nay. Thậm chí, theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, có thể lập trường, khi địa điểm xây trường đang là… đồng lúa.
Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” đã được rất nhiều ý kiến tại Thường vụ Quốc hội đánh giá là chất lượng và rất thẳng thắn.
“Hết sức sơ suất!”
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, bằng nhiều phương thức khác nhau, từ năm 1998 đến 2009 có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp.
Trong đó, 5 năm gần đây (2005 – 2009), việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương.
Cũng theo ông Thi, nhiều trường mới mở chưa có đất đai, địa điểm, cơ sở vật chất cũng như giảng viên nhưng đã được tuyển sinh và tổ chức đào tạo nhưng không bị xử lý… Đến nay vẫn còn khoảng 20% trường mới thành lập, nâng cấp chưa thực hiện xây dựng tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo.
Sinh viên chưa được hưởng những điều kiện học tập tốt
Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cho rằng, việc lập trường hiện nay quá dễ dàng. Thậm chí, chỉ cần với địa điểm xây trường đang còn là một cánh đồng lúa, người ta đã có thể lên các bộ, ngành xin được thành lập trường.
“Các đoàn thế ở địa phương cũng có thể lập trường nghề… Các bộ, ngành đã thông cảm, dễ dãi với địa phương nhưng làm như thế là hết sức sơ suất và coi thường chất lượng”, ông Đàn nhấn mạnh.
Ông Đàn cũng cho biết, khi còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cách đây chục năm, ông đã từng xách cặp lên Trung ương xin thành lập trường nhưng đã bị khước từ vì chưa đủ điều kiện. Phải đến 6, 7 năm sau tỉnh mới chuẩn bị xong cho việc lập trường và ông Đàn cho rằng, việc “ngăn” lập trường trước đó là quyết định rất đúng đắn.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, không thể làm theo cách, tỉnh nào cũng có trường ĐH. Ông đề nghị phải tính toán đến việc đánh giá lại quy hoạch mạng lưới các trường hiện nay và xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đặt vấn đề, sau khi phát hiện các yếu kém, sai sót, báo cáo giám sát của Quốc hội cần kiến nghị về việc xử lý tới đây như thế nào. “Với các trường không đủ giáo viên, cơ sở vật chất cần phải có phương án sao cho thích hợp”, ông Hiền nói.
Tỷ lệ sinh viên tốt nhiệp loại giỏi quá cao?
Từ năm 1987 đến năm 2009, số lượng sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số lượng giáo viên chỉ tăng 3 lần, tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao so với quy định (28 sinh viên/giáo viên). Ở một số trường, tỷ lệ này còn lên đến 40 sinh viên/giáo viên.
|
Theo ông Đào Trọng Thi, do chú trọng phát triển quy mô đào tạo nên giáo dục đại học nước ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào của sinh viên các trường. Phần lớn các trường ngoài công lập, trường “quốc tế” đều tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn.
Việc quản lý tuyển sinh các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết, liên thông còn bị buông lỏng hơn. Việc tuyển sinh trong lĩnh vực sau đại học còn ít tính sàng lọc hơn so với đào tạo đại học, cao đẳng.
“Về phương pháp giảng dạy, ngay cả ở bậc đại học sau đại học, phương pháp chủ yếu của giáo viên vẫn là thuyết trình, áp đặt, buộc học viên ghi nhớ một cách máy móc, ít có sự tương tác giữa giảng viên và học viên”, ông Thi nói.
Minh hoạ cho vấn đề này, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, học sinh THPT học nặng hơn rất nhiều so với sinh viên Đại học. “Các em học đại học, tay đút túi quần, đến giảng đường cầm một quyển sổ, nhiều nơi cách học vẫn là thầy đọc, trò chép”, ông Thuận hài hước.
Theo ông Đào Trọng Thi, việc kiểm tra, đánh giá còn chưa được thực hiện một cách khoa học và nghiêm túc. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi của các trường thường quá cao, chưa phản ảnh đúng thực chất chất lượng đào tạo.
Thêm nữa, trong đào tạo sau đại học, tình trạng dễ dãi, nể nang, thiếu thẳng thắn và khách quan trong đánh giá luận văn, luận án tốt nghiệp diễn ra phổ biến. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học hình thành chậm, hoạt động kiểm định chất lượng mới chỉ mang tính chất thử nghiệm. Hiện nay, Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục mới tiến hành thẩm định được 20 trường đại học và kết quả này cho đến nay vẫn chưa được công bố.
Cấn Cường / Dân Trí
Bình luận (0)