Kinh tế - Giáo dục

Quá ít doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam đang kỷ niệm 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động thu hút vốn này được cho là khá thành công.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt nguồn vốn này để xuất khẩu tại chỗ.

Hút vốn nhiều nhưng giá trị thấp

Ông Perer Albin – Giám đốc Tập đoàn Walmart khu vực Đông Nam Á – chia sẻ, rất khó tìm được các nhà cung ứng của Việt Nam để Walmart có thể lấy nguồn hàng đảm bảo số lượng và chất lượng đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của DN nước ngoài.

Theo thống kê vào năm 2015, chỉ có khoảng 67,6% DN FDI sử dụng nguyên liệu đầu vào lấy từ Việt Nam, trong khi tỷ lệ này ở các nước láng giềng rất cao, chẳng hạn, tại Trung Quốc từ năm 2012 là 97,2%, Malaysia năm 2015 là 99,9%, Thái Lan năm 2016 là 96,4%.

Qua it doanh nghiep Viet tham gia vao chuoi gia tri toan cau
Quá ít doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu là do kết nối DN trong nước với DN nước ngoài thấp. Việc thiếu nhà cung cấp trong nước khiến các DN nước ngoài phải tìm kiếm nơi khác và liên kết với các công ty bên ngoài Việt Nam.

Ông Brian Mtonya – đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) – phân tích, liên tục trong những năm qua, dòng vốn FDI tại Việt Nam tăng trưởng khá đều đặn, 56% trong số đó được đổ vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, trong đó dệt may và da giày chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tuy nhiên, số DN Việt Nam tham gia được vào các chuỗi cung ứng của các DN FDI là hết sức hạn chế, đặc biệt là ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử. Ông Brian dẫn chứng, những công ty dẫn đầu ở lĩnh vực này như Samsung, Ford, Toyota thường sử dụng nhà cung ứng ở mọi nơi, nhưng hiện có rất ít DN Việt tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của những DN này.

Các nhà sản xuất lớn này hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp để tận dụng giá nhân công rẻ, nhưng ưu thế này ngày càng mất dần so với những nước như Campuchia, Lào.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do các chính sách nội địa hóa bị bóp méo, đồng thời, các nhà cung ứng của Việt Nam thiếu công nghệ và kỹ năng, thiếu hỗ trợ tài chính và công nghệ có mục tiêu để nâng cấp trên chuỗi giá trị, thiếu thông tin về các chiến lược và tiêu chuẩn tìm nguồn cung ứng của các nhà đầu tư (các tập đoàn, công ty đa quốc gia). Mặt khác, các chính sách để thúc đẩy sự liên kết này từ phía Chính phủ chưa thực sự nhất quán và phù hợp.

Doanh nghiệp ngoại quan tâm nguồn cung nội

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chỉ ra, những DN trong nước có hợp tác hay tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ với DN FDI có chất lượng quản trị và vận hành tốt hơn.

Nguyên nhân hàng đầu khiến các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là khó tiếp cận tài chính (chiếm đến 21,8%). 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn này không phải không có cách tháo gỡ. Chẳng hạn, DN vừa và nhỏ gặp khó khăn về tiếp cận tài chính do không có tài sản thế chấp thì Chính phủ cần có những gói vay và chính sách thẩm định linh hoạt.

Qua it doanh nghiep Viet tham gia vao chuoi gia tri toan cau
Việt Nam đang kỷ niệm 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động thu hút vốn này được cho là khá thành công. Ảnh minh họa

WB đã thực hiện cuộc khảo sát các DN Việt Nam với kết quả, các công ty dẫn đầu và các nhà cung cấp cấp I trong lĩnh vực ô tô, điện tử vẫn quan tâm đến nhà cung cấp trong nước. Theo kinh nghiệm từ số ít nhà cung cấp nội địa trong lĩnh vực điện tử, ô tô, quá trình liên kết khá mất thời gian và DN khi tham gia nên áp dụng phương pháp thử – sai – sửa, đồng thời sẵn sàng học hỏi công nghệ, kỹ năng quản lý của nước ngoài. 

Ngày 4/10, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) – chi hội TP.HCM tổ chức Ngày hội nhà cung cấp năm 2018. Theo ban tổ chức, năm nay, AmCham Vietnam phải thay đổi cách thức tiếp cận cho các nhà cung cấp và nhà sản xuất để mong có nhiều nhà cung ứng trong nước gặp được các DN FDI hơn.

Trong đó, USAID công bố phát triển hai dự án nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề này: dành 22 triệu USD trong 5 năm cho dự án tạo thuận lợi thương mại, trọng tâm sẽ là hợp tác với khối DN tư nhân nhằm giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến lợi thế thương mại của Việt Nam, từ đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh; dự án hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu (LinkSME), hướng đến chuyển giao công nghệ và kiến thức, nhằm tăng năng suất lao động.

Đăng Thư/Phụ Nữ online

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)