“… Hôm nhà trai sang xin được tổ chức, bố nó cáu giận, đập bàn quát tháo vang khắp xóm. Họ bẽ bàng quay về, nó cũng đi luôn. Ba tháng sau nó ghé qua nhà, chìa tờ đăng ký kết hôn ra tuyên bố thẳng, giờ có cho nó cũng không thèm cưới nữa…”.
Chúng tôi chơi thân từ ngày cấp ba, cùng học ôn khối D với hi vọng trở thành cô giáo. Tôi rẽ ngang chuyển sang thi và học ngành khác, yên ổn hơn, nó vẫn nuôi mộng trở thành cô giáo dạy tiếng Anh giỏi giang và tài sắc như cô chủ nhiệm.
Nó tốt nghiệp sư phạm loại giỏi nhưng vẫn vật vờ với những cái gọi là “ổn định”, với “biên chế nhà nước”. Tôi bứt ra làm cho tư nhân, cuộc sống có phần dễ thở.
Rồi tôi lập gia đình, quay cuồng với những nỗi lo toan cho căn nhà nhỏ. Nó long đong nộp hồ sơ hết vùng sâu nọ đến vùng xa kia mà không được xét. Chán nản, nó liền xin vào làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài gần nhà, đi học thêm văn bằng hai để kiêm nhiệm hòng thăng chức. Cuộc sống của nó xem ra sung túc hơn tôi nhiều. Hai bằng đại học – tôi mỉm cười, trâu chậm uống nước trong, thế cũng hay.
Một ngày, tôi còn đang loay hoay thay tã cho con thì thấy nó ào đến như làn gió, môi nở nụ cười tươi rói, hạnh phúc chói chang. Tôi háo hức: “Yêu rồi hả?”. Tôi biết, có niềm vui nào bao giờ nó cũng tâm sự với tôi trước tiên. Nó cuống quýt gật gật: “Ừ, cùng công ty, bằng tuổi mình luôn”. “Thế làm ở phòng nào?”. “Bên sản xuất”. “Tôi buột miệng: “Học Bách khoa ra à?”. Nó lừ lừ, kéo dài giọng: “Không! Cứ phải học đại học mới ra làm được việc chắc?”. Tôi cười đấu dịu: “Thì tao nghĩ phụ trách sản xuất thì trường đó đúng nghề”. Nó lí nhí: “Công nhân thôi”. Tôi giật mình và nó cũng nhận ra cái giật mình ấy, thoáng giận dỗi: “Mày giống hệt bố mẹ tao, ưa bằng cấp, đánh giá người khác trong thời buổi này, không gì bằng cái tờ giấy ấy. Quan trọng là chúng tao yêu nhau”.
Từ đó nó ít qua lại thăm nom khiến tôi chạnh lòng, ân hận, đâm lo cho nó và trách mình vô lý, không nên tò mò, can thiệp vào riêng tư quá làm gì khiến bạn khó nghĩ. Mẹ tôi chơi cùng cô ruột nó kể tôi mới hay, thì ra hai người đang bị bố mẹ nó ngăn cản dữ dội, cũng vì chê anh chàng không có tố chất, tương lai mù mịt, kém tương xứng. Anh bạn đó, mọi người vẫn chép miệng thương, chẳng chê được gì, hiền lành, nhanh nhẹn sáng sủa, biết cách cư xử… thế mà chỉ vì học vấn chênh lệch khiến người lớn không hài lòng.
Nghe đâu, hôm nhà trai sang bàn việc, xin được tổ chức, bố nó cáu giận, đập bàn quát tháo vang khắp xóm phố, họ đành bẽ bàng quay về, nó cũng đi luôn. Ba tháng sau mới ghé qua nhà, chìa tờ giấy đăng ký kết hôn ra và tuyên bố thẳng, giờ có cho nó cũng không thèm cưới nữa, hai đứa đã sống với nhau chừng ấy thời gian… Bố mẹ nó sượng sùng, giờ đi đâu cũng không dám ngẩng mặt nhìn ai.
Mẹ tôi đến thăm cháu kể chuyện tôi nghe mà rầu cả lòng, nó đã đổi số tôi không liên lạc được. Tôi chỉ muốn nói với nó rằng, sao không bình tĩnh mà lại hành động sốc nổi vào cái tuổi lý ra hành động phải rất chín chắn mới phải. Sao không dành thời gian thuyết phục bố mẹ…
Nhưng rồi tôi lại thở dài nhớ đến những việc làm hồ đồ của người lớn, dẫu biết cha mẹ nào cũng thương yêu và mong muốn mang điều tốt đẹp nhất đến cho con cái nhưng sao nỡ cư xử vô lý đến thế. Họ đâu biết rằng tuổi trẻ có thể sẽ mắc sai lầm song cần có thời gian để phân tích và răn dạy trên tinh thần mình là người đi trước dạy bảo con em, còn quyết định thuộc về chúng nó. Ai lại tác động quá sâu sát để rồi “quá mù ra mưa”. Con trai cũng có tự ái riêng, dẫu có thể họ kém cạnh hơn, từ đó sẽ dẫn đến việc làm thiếu sáng suốt, thừa sai sót.
“Sai một ly đi một dặm”. Cái khổ nhất vẫn là con gái, rồi đây bố mẹ đẻ thì nó không dám về, rồi gia đình chồng sẽ đón nhận nó ra sao, một đứa con không vâng lời cha mẹ? Khi vợ chồng có lúc bát đũa xô kiếm đâu ra bờ vai dịu hiền của mẹ gục vào mà khóc, xin lời khuyên nhủ? Sẽ phải làm sao khi có con, có cái, công việc bộn bề?
Thiều San Ly (dantri.com.vn)
Bình luận (0)