Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Quả ngọt từ niềm đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang nỗ lực hết mình chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 thì cậu học trò Hoàng Kim Nghị (lớp 12 chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị) lại thong thả nắm trong tay tấm vé vào ĐH – thành quả từ cú đúp giải nhì môn hóa quốc gia hai năm liên tiếp.

Cậu học trò Hoàng Kim Nghị với cú đúp giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn hóa

Hoàng Kim Nghị không chỉ thu hút người đối diện bởi vóc dáng thư sinh và gương mặt điển trai mà còn bởi cách trò chuyện thông minh, lôi cuốn và thân thiện. Sinh ra trong gia đình có ba mẹ đều làm nông nghiệp, do không được đầu tư đầy đủ như nhiều bạn ở thành phố nên việc học của Nghị chủ yếu bằng nỗ lực của chính bản thân và niềm động viên của ba mẹ. Nghị kể: “Năm lớp 6, em chỉ theo toán và lý. Nhưng lên lớp 7, khi tham gia lớp bồi dưỡng hóa, cô giáo đã phát hiện và khuyên em nên chọn môn hóa. Sau thời gian học, với khả năng của mình em quyết định theo lời khuyên của cô. Càng học, em càng thấy đam mê môn hóa hơn và quyết định thi vào lớp 10 chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn”.

Do học khá giỏi tất cả các môn nên Nghị không bỡ ngỡ lắm khi bước vào môi trường của trường chuyên. Thế nhưng, ngay những ngày đầu, em lại vấp phải một khó khăn khác nhiều khi gần như rất chán. Đó là thầy Nguyễn Trí Nguyên (giáo viên chủ nhiệm lớp, kiêm giáo viên dạy bồi dưỡng môn hóa) mỗi khi lên lớp chỉ dạy hóa bằng… tiếng Anh. “Nhiều bạn, kể cả em đều thấy khó nhưng thầy vẫn kiên trì dạy. Phần nào khó quá, sau khi dạy bằng tiếng Anh thì thầy sẽ dành thời gian nói kỹ hơn bằng tiếng Việt. Lâu dần thành quen và em làm quen được với môi trường học bằng tiếng Anh từ đó”. Rồi cũng chính thầy giáo chủ nhiệm đã phát hiện và khuyên Nghị nên vào đội tuyển hóa của trường đi thi quốc gia. Năm lớp 11, góp mặt trong đội tuyển của trường, Nghị xuất sắc đạt giải nhì. Không dừng lại ở đó, năm lớp 12, em được nhà trường tạo điều kiện ra Hà Nội ôn tập 2 tháng vì trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng cho phần thí nghiệm thực hành. Không phụ lòng mong đợi, một lần nữa Nghị giành giải nhì quốc gia với điểm số cao suýt soát điểm thí sinh đạt giải nhất.      

Sinh ra trong gia đình có ba mẹ đều làm nông nghiệp, do không được đầu tư đầy đủ như nhiều bạn ở thành phố nên việc học của Nghị chủ yếu bằng nỗ lực của chính bản thân và niềm động viên của ba mẹ.

Nghị chia sẻ, em tự học là chính thông qua kiến thức sách giáo khoa, tài liệu của giáo viên và tìm tòi trên mạng. Tuy nhiên học hóa không phải là đầu tư thật nhiều thời gian mà cần có phương pháp và mục đích. “Phần hữu cơ là phần rộng nhất, khó nhất nên phải nắm vững phần cơ bản do thầy cô giảng dạy. Bên cạnh đó phải tìm kiếm các bài dạy hữu ích trên mạng, tìm kiếm các tài liệu viết bằng tiếng Anh để bổ sung thêm kiến thức. Còn phần vô cơ gồm hóa lý, nguyên tử, phân tích… chỉ cần học ở trường, sách giáo khoa và thực hành tính toán nhiều. Phần thực hành là phần lý thú nhất trong học hóa. Qua từng cấp độ, tính chất khó và chi tiết càng nâng cao hơn nên phải chú ý học, thực hành thật nhiều mới có thể làm được”, Nghị cho biết.

Trở lại câu chuyện học tiếng Anh, Nghị bảo: “Ban đầu khi vào lớp 10, thầy chủ nhiệm dạy môn hóa chỉ dạy bằng tiếng Anh, em và các bạn thấy khó vô cùng. Nhiều lần xin ý kiến thầy dạy bằng tiếng Việt nhưng thầy vẫn nhất quyết đưa tiếng Anh vào dạy. Thế là em cũng như các bạn, buộc phải học thêm tiếng Anh. Học đến đâu ghi nhớ từ vựng đến đó, khó nhất là từ vựng chuyên ngành vẫn phải ghi nhớ. Lâu dần thành thói quen. Và cũng nhờ sự kiên trì của thầy mà em có thể đọc được tài liệu về hóa bằng tiếng Anh. Em nhận ra rằng, nếu tìm tài liệu môn hóa bằng tiếng Việt thì rất ít tài liệu hay, đổi lại với tiếng Anh thì mình có thể tìm được nhiều tài liệu hay và bổ ích hơn”.

Hỏi về ý định trong tương lai, Nghị cho biết: “Trước mắt trong những ngày này em vẫn ôn tập để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi lấy điểm xét tuyển ĐH. Theo như quy chế thì em sẽ được tuyển thẳng, em dự định vào ngành dược của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Các bạn cùng lớp đều dự định theo ngành y, nhưng em chọn ngành dược vì thời gian học ngắn hơn để ra trường có việc làm đỡ đần cho ba mẹ”.

Bài, ảnh: Hàn Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)