Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Quả ngọt từ… “thùng sáng kiến”

Tạp Chí Giáo Dục

Phong trào “thùng sáng kiến” đã được Đoàn thanh niên phối hợp cùng các đoàn thể trong Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP.HCM) phát động. Từ đây, nhiều công nhân trẻ đã được vinh danh.

Quả ngọt từ... “thùng sáng kiến”
Bạn Lê Hồ Minh Bằng (phải) cùng công nhân bên máy in date (hạn sử dụng) tự động được gắn với máy Zap (nhồi định lượng) – Ảnh: K.Anh

Bạn Lê Hồ Minh Bằng (28 tuổi), công nhân kỹ thuật xưởng xúc xích, đã được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho những công nhân có nhiều sáng kiến năm 2015.

“Thấy những gì còn bất cập trong quá trình sản xuất, vận hành máy móc thì đề xuất lãnh đạo tạo điều kiện cải tiến để hiệu quả hơn trong lao động sản xuất” – Bằng bộc bạch về những sáng kiến của anh tại đơn vị.

Sáng kiến nhỏ – lợi ích to

Năm 2010, Bằng đầu quân về công ty sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Thấy mọi người góp ý nhiều cho phong trào “thùng sáng kiến” nhưng bản thân chưa góp được ý tưởng nào, Bằng trăn trở tìm tòi trong quá trình làm việc.

Bằng thắc mắc nhiều công đoạn của xưởng đã tự động hóa, chỉ còn khâu in date (hạn sử dụng) trên cây xúc xích lại phải làm thủ công. Khâu này từ trước đó cần đến năm nhân công nhưng chỉ đảm nhận công việc đặt cây xúc xích vào máy in date rồi xếp lên chuyền chạy vào khâu đóng gói… Bằng đề xuất lãnh đạo cho in thử nghiệm tự động ngay tại máy Zap (nhồi định lượng).

“Tôi thấy công nhân đặt xúc xích để in date có lúc cũng bị lem vào chỗ đã có hình hoặc chữ trên thân cây xúc xích, khiến người đọc sẽ thấy khó chịu. Còn nếu in tự động thì mình chọn vị trí và sẽ đều tăm tắp” – Bằng cho biết.

Nhưng không phải “dễ ăn” ngay khi thử nghiệm, vì in date trước khi đưa xúc xích vào khâu tiệt trùng, mực in bị nhòe ngay sau khi đi qua nhiệt độ cao. Bằng tưởng sáng kiến của mình có thể phải đi vào… sọt rác. Nhưng anh tiếp tục mày mò và phát hiện có thể thay đổi loại mực in khác chịu được nhiệt để đảm bảo không nhòe.

Cuối cùng chiếc máy in lắp kèm với chiếc máy nhồi đã hoạt động ăn khớp cùng loại mực in mới. Điều đó đã hóa giải tất cả hạn chế mắc phải khi áp dụng sáng kiến của Bằng vào thực tiễn. “Phải mất gần bốn tháng trầy trật thì sáng kiến của tôi mới thành công nhờ sự góp sức của cả tập thể” – Bằng cười chia sẻ.

Chỉ tính tiền công lao động của năm người và số tiền điện tiết kiệm từ việc làm thủ công chuyển qua tự động hóa, công trình đã làm lợi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Là người trực tiếp đứng máy Zap – nhồi xúc xích nay kết hợp thêm máy in date tự động, anh Hứa Thanh Quân cho biết: “Công việc của tôi chỉ thêm mỗi phần cài tự động máy in date cùng việc khởi động máy Zap mà tiết kiệm được bao nhiêu cho công ty, tôi thấy đây là một cách làm rất hiệu quả”.

Nâng niu từng ý tưởng sáng tạo

Không dừng lại ở sáng kiến tự động hóa khâu in date cho xúc xích, Bằng còn đề xuất áp dụng cách rút ngắn thời gian làm nguội xúc xích ở công đoạn tiệt trùng. Theo quy trình khi làm nguội, nhiệt độ được hạ từ 121 độ C xuống dưới 35 độ C, sau đó xúc xích được chuyển qua công đoạn rửa.

Sau thời gian theo dõi, Bằng thấy đến thời điểm xúc xích khoảng 43 độ C thì nhiệt độ của nước làm nguội cũng nóng tương đương, anh đề xuất lấy xúc xích ngay khi xuống đến 43 độ C, sau đó để nguội tự nhiên và đến 35 độ C thì đem rửa.

“Sau khi làm thí điểm, chúng tôi kiểm tra chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng gì và cho áp dụng luôn. Nhờ vậy tiết kiệm được chi phí điện, nước, máy móc cho đơn vị. Từ những sáng kiến nhỏ của công nhân chúng tôi tích lũy lại đã làm lợi cho công ty, góp phần tăng sức cạnh tranh với các đơn vị khác về giá thành sản xuất” – chị Nguyễn Thị Hồng Vân, phó giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm thuộc Công ty chế biến xuất khẩu Cầu Tre, cho biết.

Chị Nguyễn Thị Lương, bí thư Đoàn công ty, cho biết “thùng sáng kiến” kèm giấy, bút được Đoàn thanh niên lắp đặt tại từng xưởng sản xuất để ai cũng có thể đến đó viết những sáng kiến hay ý tưởng của mình gửi đến đội ngũ quản lý.

Nhờ thế, nhiều ý tưởng góp ý đã giúp đơn vị cải tiến hơn trong quá trình sản xuất, năng suất tăng lên. Đó cũng là cách để đảm bảo đời sống người công nhân. Khi phong trào trở thành nếp suy nghĩ, kích thích mọi người tìm tòi, lúc ấy mọi người không cần trình bày bằng giấy mực nữa, và “thùng sáng kiến” cũng hoàn thành sứ mệnh của nó.

“Bây giờ ai có ý tưởng góp ý sẽ trình bày ngay với người quản lý trực tiếp tại các xưởng. Chúng tôi trân trọng từng sáng kiến của người lao động. Mọi ý tưởng đều được ghi nhận và công đoàn, Đoàn thanh niên công ty sẽ trao quà tặng khích lệ mọi người tiếp tục tìm tòi góp sức cho đơn vị” – chị Lương cho hay.

Trong khi đó chị Hồng Vân cho biết công ty xem công nhân như tài sản của đơn vị. Chính vì thế ngoài việc nâng niu từng ý tưởng sáng kiến, đơn vị cũng quan tâm chăm lo đời sống cho anh em công nhân thông qua việc hỗ trợ chỗ ở miễn phí, những chuyến xe miễn phí về quê dịp tết…

“Bạn Lê Hồ Minh Bằng không chỉ là một công nhân giỏi có nhiều sáng kiến trong lao động mà còn là bí thư chi đoàn nhiệt tình với phong trào của công nhân. Bằng luôn tìm tòi, học hỏi không chỉ để làm tốt công việc của mình, mà còn tích cực choàng gánh công việc cho đồng nghiệp” – chị Lương nói về Bằng.

Góp lời, chị Hồng Vân nhận định: “Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận sáng kiến của bạn Bằng vì đã góp phần cải tiến quy trình sản xuất, góp phần làm lợi cho đơn vị. Bằng là một trong những công nhân hiếm hoi của công ty được mọi người bình chọn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tổng công ty luôn”.

 

KIM ANH (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)