Đám cháy do người dân đốt rác ở quận Gò Vấp hồi tháng 11-2018
Trong những ngày gần đây, chính quyền, nhân dân, bộ đội và các cơ quan chức năng ở một số tỉnh miền Trung là: Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi… đã và đang phải vô cùng vất vả, bỏ bao sức lực, tiền của để ngăn ngừa “giặc lửa” đã, đang thiêu rụi hàng trăm hécta rừng, gây thiệt hại về kinh tế và môi sinh là rất lớn. Thậm chí là quá đau xót, khi ở Hà Tĩnh và Nghệ An, mỗi địa phương đều có một trường hợp bị thiệt mạng trong lúc dập lửa cháy rừng!
Nguyên nhân gây nên những đám cháy rừng nêu trên xuất phát từ sự bất cẩn, ý thức quá kém thể hiện trong thói quen thu gom cây cỏ, rác thải rồi châm lửa để đốt, mà cụ thể là trường hợp một người đàn ông trung niên tên Phan Đình Thành ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, khi ông ta châm lửa đốt rác, cỏ cây, lá khô trong vườn nhà để rồi do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Ông ta dùng xô múc nước để dập lửa nhưng không dập được nên đối tượng gọi mọi người đến giúp đỡ. Tuy nhiên, lúc này, lửa đã cháy mạnh và lan sang khu vực rừng thông phía sau nhà. Sau đó, đám cháy lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ ở một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An. Hậu quả của việc đốt rác thải, cây cỏ khô bất cẩn, thiếu ý thức của người đàn ông này đã làm gần 50 hécta rừng bị thiêu rụi, làm thiệt hại và khiến bao người phải khốn khổ…
Hay như một vụ cháy rừng khác xảy ra vào chiều tối 30-6-2019, tại khu rừng trồng cây bạch đàn, thuộc xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mà theo cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân cũng là do đốt rác thải! Chính quyền địa phương thông tin, đám cháy rừng có thể đã khởi phát từ nhóm người dân làm mộ đã vô ý đốt rác để rồi phát lửa, gió thổi mạnh khiến đốm lửa bay sang khu rừng bạch đàn phát cháy lây lan rộng. Sau 2 ngày đêm, với sự vất vả của hàng trăm người dân, dân quân, kiểm lâm, bộ đội biên phòng thì đám lửa mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, thiệt hại cũng là đáng kể, khi 15 hécta rừng đã bị thiêu rụi!
Còn rất nhiều các vụ gây cháy rừng trong quá khứ tại nhiều địa phương ở nước ta mà tôi không thể kể hết được, nhưng thông qua 2 vụ cháy rừng mới nhất kể trên để thấy rằng việc đốt rác thải, cỏ cây vô ý, bất cẩn là thói quen cực kỳ nguy hiểm mà mọi người cần phải từ bỏ ngay, nếu không sẽ gây hậu họa cho chính mình, hàng xóm và toàn xã hội.
Hẳn những ai theo dõi các phương tiện truyền thông còn nhớ một vụ cháy lớn xảy ra tại quận Gò Vấp, TP.HCM, vào tháng 11-2018, mà nguyên nhân cũng do người dân vô ý… đốt rác thải, không canh chừng để rác cháy lan ra! Hậu quả là vài căn nhà, khu lán trại bị thiêu rụi, cùng rất nhiều các hộ hàng xóm bị ảnh hưởng, rồi phải di dời sơ tán trong đêm…
Không chỉ gây cháy nhà, cơ sở vật chất, tài sản của người dân, thói quen đốt rác thải trong các đô thị còn làm ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ tới cây xanh, hệ thống đường dây tải điện, cáp viễn thông. Vụ người dân đốt rác thải dưới chân trụ dây viễn thông tại cầu Tham Lương, quận 12, TP.HCM, gây cháy ngùn ngụt, xảy ra vào tháng 12-2018 là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân gây cháy là do lửa bén lên từ đống rác thải bị đốt, theo đường dây leo dại, rồi bắt lửa vào bó cáp dưới chân cầu. Rất may là người dân quanh đó kịp thời phát hiện, khống chế bằng bình chữa cháy mini, chứ không ngọn lửa sẽ lây lan sang các căn nhà kế đó.
Thực ra thì thói quen đốt cây cỏ, rác thải không chỉ có ở người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, mà tình trạng này luôn phổ biến ở các đô thị tại nước ta. Mọi người đều cho rằng việc thu gom và đốt rác như thế sẽ giúp cho môi trường xung quanh sạch sẽ hơn, cũng như công nhân, đội thu gom rác đỡ vất vả phần nào vì một lượng rác đã bị đốt, tiêu hủy đi mà không phải hốt, không phải vận chuyển đi ra nơi chôn lấp xử lý… Suy nghĩ và cách giải thích vấn đề của những người có thói quen đốt rác thải như vậy là sai lầm, thậm chí phạm luật. Bởi như chúng ta biết, tại khoản 2, điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” thì với riêng vấn đề phòng cháy chữa cháy có quy định rõ: những người tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng.
Trịnh Viết Hiệp (Học viện BC&TT)
Bình luận (0)