Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quá nửa trẻ bị bạo lực học đường và gia đình!

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là khẳng định của bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội thảo “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non: thực trạng và giải pháp”, do Bộ GD-ĐT, UNICEF tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Vậy đâu là nguyên nhân?

Giáo viên mầm non quá áp lực

Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD-ĐT – cho rằng: Để đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non có 3 yếu tố: đội ngũ quản lý, môi trường và giáo viên. Trong đó, đội ngũ giáo viên là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.

Theo Bộ GD-ĐT, các ý kiến tại hội thảo là cơ sở để đưa ra những giải pháp trong quản lý, chỉ đạo, đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ. Đồng thời, đề xuất chế độ chính sách phù hợp cho giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, theo bà Chung Bích Phượng – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, TP.HCM – thì: Giáo viên mầm non chịu rất nhiều áp lực. Trong khi giáo viên ở cấp học khác có thể làm việc nửa ngày, theo tiết nhưng giáo viên mầm non phải bám trường bám lớp cả ngày. Bên cạnh đó là vấn đề thu nhập chưa tương xứng. Mặt khác, đối tượng của giáo viên mầm non là trẻ em, tức là giáo viên phải phục vụ hoàn toàn. Ngoài ra, không chỉ phụ huynh mà cả xã hội luôn đòi hỏi quá cao ở giáo viên nhưng lại thiếu chia sẻ đồng cảm với khó khăn của các cô.  Phụ huynh và xã hội tạo áp lực, đòi hỏi giáo viên phải làm gì, phải làm thế nào để đạt được chất lượng nhưng họ quên rằng giáo viên đang được nhìn nhận ra sao. Mặt khác, an ninh trật tự, môi trường xã hội phức tạp, nên để bảo vệ trẻ, không chỉ đơn độc giáo viên…

Không biết chữ cũng là chủ trường

TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) – kể lại: Khi kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhiều nơi mặc dù có chứng chỉ quản lý giáo dục nhưng khi đưa phiếu hỏi điều tra cho họ đọc và điền thì họ bảo… không biết chữ. Vậy chứng chỉ ở đâu ra? Những chủ trường này cho biết, họ đi mua chứng chỉ.

Vì sao các chủ trường phải mua chứng chỉ? Theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội – thì: Thực tế hiện nay, nhiều chủ cơ sở mầm non, vì chỉ cần bằng tốt nghiệp THCS và có chứng chỉ là được mở lớp nên học xong nghề là họ mở lớp ngay tại nhà. 

Không những thế, bà Phượng, TP.HCM – cho biết thêm: Bổ nhiệm hiệu trưởng một trường mầm non tư thục chỉ cần thời gian đứng lớp 5 năm, chủ nhóm chỉ 300 tiết và có bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, ở mầm non, trường công lập ít hơn ngoài công lập. Chính vì vậy mà tình trạng bạo hành trẻ vẫn thường xảy ra.

Không chỉ bị bạo hành ở trường mà trẻ còn bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình. Như  TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ  tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – khẳng định: Bạo lực không phải là nguyên nhân duy nhất khiến trẻ mầm non không an toàn. Trẻ không an toàn từ trong chính gia đình của mình. Phần lớn các gia đình của Việt Nam đang nghèo về giáo dục.

Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)