Trong nhà trường, người quản lý phải am hiểu sâu rộng, có khả năng giải quyết tình huống khoa học, nghệ thuật (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều
|
Tình huống: Năm học đã bắt đầu được một tuần, do tình hình nhân sự đang thiếu, nhà trường rất trông chờ giáo viên mới. Tuy nhiên, không hiểu sao cô Y., là giáo viên mới trúng tuyển và đã nhận được giấy giới thiệu về trường những mãi đến một tuần sau cô mới đến trình diện ban giám hiệu. Khi vừa gặp cô Y., hiệu trưởng đã mắng mỏ, nạt nộ, quát tháo việc giáo viên trình diện trễ. Cô hiệu trưởng không cho giáo viên có cơ hội để giải thích và thậm chí cũng không nghe giải thích. Kết quả của buổi làm việc hôm ấy là: Cô Y. mất tinh thần, quá sợ hãi và đã bỏ việc.
Tôi nhận thấy, với cách hành xử như vậy, cô hiệu trưởng đã quá khắt khe, thiếu sự lắng nghe, thiếu sự tìm tòi thông tin. Hay nói chính xác là hiệu trưởng thiếu nghệ thuật giải quyết tình huống, vô hình trung cách hành xử của cô hiệu trưởng đã đẩy một người mất việc.
Tôi xin trình bày cách giải quyết tình huống trên theo suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.
Giải quyết tình huống
Đầu tiên tôi sẽ vận dụng một số kiến thức của học thuyết hành vi để giải quyết tình huống này. Học thuyết hành vi, tiêu biểu là Follett nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố tâm lý, tình cảm, quan hệ xã hội của con người trong công việc.
Theo tôi, hiệu trưởng nên hỏi và lắng nghe giáo viên trình bày (vì có thể việc trình diện trễ của giáo viên là do một lý do bất khả kháng). Bằng những câu hỏi khéo léo, nghệ thuật giao tiếp, hiệu trưởng sẽ tạo tâm lý an tâm, thoải mái cho giáo viên. Khi giáo viên nhận được thái độ thân thiện, muốn lắng nghe thì họ sẽ bớt căng thẳng, giảm đi sự lo sợ và sẽ dễ trình bày sự thật của vấn đề. Hiệu trưởng có thể trò chuyện: “Cả tuần nay, mọi người trong trường rất chờ mong cô. Và cuối cùng cô đã đến. Nhưng không hiểu lý do gì mà cô lại trình diện trễ như vậy?”. Sau khi nghe giáo viên trình bày lý do trình diện trễ, hiệu trưởng cần xác định những lý do đó có chính đáng không. Và cũng cần xác định thái độ chân thành và sự nhận thức của giáo viên về việc trình diện trễ cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Một nhà quản lý giỏi có thể nhận ra được những điều này trong quá trình làm việc với giáo viên. Với cách hỏi vừa dẫn dắt vừa buộc giáo viên nghiêm túc trả lời sẽ giúp họ cảm nhận được cảm thông và có nhận thức đúng đắn về cái sai trễ hẹn của bản thân: “Nếu cô là một nhà quản lý, cô có vui vẻ, thoải mái khi giáo viên mới đến trình diện nhận công tác trễ hay không?”. “Vậy đến giờ phút này cô đã sắp xếp được việc riêng, việc gia đình… để thật sự gia nhập vào đội ngũ giáo viên của nhà trường chưa?”…
Sau khi phân tích vấn đề, hiệu trưởng cần đưa ra phương án giải quyết. Trong tình huống này, người lãnh đạo khéo léo sẽ đưa ra các đặc điểm của nghề để buộc giáo viên tự nguyện đưa ra những quy định, những nguyên tắc mà bản thân sẽ chấp hành. Và từ đó hiệu trưởng khẳng định lại việc cảm thông cho giáo viên tiếp tục nhận công tác tuy đã trễ là điều mang tính “đạo lý”. Nhưng xét về mặt pháp lý, giáo viên phải cam kết rằng trong quá trình công tác họ phải luôn chấp hành ý thức kỷ luật.
Kết luận
Quản lý giáo dục là dạng lao động xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nhằm gây ảnh hưởng, điều khiển hệ thống giáo dục và các thành tố của nó; định hướng phối hợp lao động cùng những người tham gia công tác giáo dục để đạt được mục tiêu giáo dục và phát triển giáo dục. Vì vậy nhà quản lý giáo dục phải là người có am hiểu sâu rộng, có khả năng giải quyết vấn đề, tình huống một cách khoa học, nghệ thuật. Người quản lý phải giải quyết mọi vấn đề trên nguyên tắc: Chân lý – pháp lý – đạo lý. Và để vận dụng nguyên tắc này, nhà quản lý phải chọn yếu tố tâm lý làm nền tảng.
Phan Mỹ Linh – Nghiêm Ý
Luôn dành sự trân trọng cho phụ huynh
Trên Giáo dục TP.HCM (số ra ngày 11-3-2015), ở Góc quản lý trang Nhịp cầu sư phạm có đăng bài Bảo vệ có làm khó dễ? Xoay quanh tình huống này tôi xin có lời bàn sau.
Sự việc mà bài báo nêu ra đang là một vấn đề “nhỏ mà không nhỏ” trong quan hệ giao tiếp sư phạm giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Không ít trường hợp vì thiếu tế nhị và sự trân trọng thân thiện trong giao tiếp một số giáo viên đã làm phụ huynh phật lòng, dị ứng, thậm chí nổi “khùng”. Vừa qua ở trường nọ, cha một học sinh có chuyện bức xúc đến trường gặp giáo viên để mong bàn việc kết hợp giáo dục con. Trước thái độ không chút vui vẻ, vừa tập trung soạn sách vở vừa trả lời “nhát gừng” của cô giáo, ông đã nổi “điên” làm ồn ào huyên náo cả sân trường trong giờ tan học. Có trường hợp một phụ huynh theo thư mời gấp phải bỏ buổi làm đạp xe 10km đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm “nếu không con sẽ bị đuổi học”. Nào ngờ đến nơi, bảo vệ không cho vào, bà phải đứng chờ cả buổi ngoài cổng trường. Khi vào được trường thì cô giáo vì việc đột xuất lại đã về sớm. Bà đành lóc cóc đạp xe về trong tâm trạng não nề xót xa, thất vọng.
Chúng ta đừng bao giờ quên lời nhà sư phạm Xu-khôm-lin-xki: “Trong học đường đến hòn sỏi nơi lối đi cũng phải mang tính mô phạm”. Cách hành xử của người bảo vệ và vị hiệu trưởng trong bài báo vừa nêu cũng như những nhân vật mà tôi vừa nói tới xét về mặt “đảm bảo nguyên tắc quản lý” thì rõ là không sai. Song, “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Để những hiện tượng không đáng có trên được loại bỏ, tôi mong các trường tham khảo cách tiếp phụ huynh ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp, TP.HCM), thời cô Lê Thị Tại làm Hiệu trưởng: Trường dành riêng một phòng nhỏ rất trang nhã, tiện nghi với tấm biển đề “Phòng chuyên tiếp đón phụ huynh” có trang trí rất mô phạm, có bàn ghế lịch sự. Bất cứ phụ huynh nào có nhu cầu đến gặp giáo viên hoặc Ban Giám hiệu đều được người bảo vệ niềm nở (chứ không lạnh lùng “mặt sắt đen sì” như người bảo vệ trong bài báo) dẫn vào phòng pha trà mời như một thượng khách. Nếu phải chờ thì có đủ loại báo để đọc. Giám thị được báo sẽ đến ngồi tiếp rồi xếp lịch theo yêu cầu. Chính nhờ cách hành xử trân trọng, sư phạm và rất tâm lý như vậy dành cho phụ huynh nên sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình nơi mái trường này luôn đạt hiệu quả cao.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
|
Bình luận (0)