Lớp học quá tải!
Trung bình mỗi năm Q.Tân Phú có thêm 800 – 900 trẻ đi học mầm non nhưng số trường thì không tăng. Hầu như trường nào cũng quá tải, sĩ số học sinh/lớp dao động từ 50 – 55 cháu/lớp. Đặc biệt là những trường như Rạng Đông, Thiên Lý, Hoa Anh Đào, Nhiêu Lộc… có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thì tình trạng quá tải càng nghiêm trọng. Nhiều trường chỉ tiêu từ 400 – 500 cháu/trường nhưng năm nào cũng phải nhận thêm từ 700 – 800 cháu.
“So với tổng diện tích của trường thì với số cháu hiện nay là quá đông nhưng nếu không nhận thì cháu sẽ không có chỗ học. Quan điểm của phòng giáo dục của quận là thà không có trường đạt chuẩn quốc gia chứ nhất quyết không để cháu thiếu chỗ học…”, bà Lê Thanh Hương – Tổ trưởng Tổ Giáo dục MN, Phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho biết.
Nếu so với các quận, huyện khác thì Q.1 có nhiều trường MN công lập nhất, mỗi phường đều có từ 1- 2 trường. Tuy nhiên, Q.1 cũng không tránh khỏi tình trạng quá tải, đặc biệt là 3 trường đạt chuẩn quốc gia: Bé Ngoan, Bến Thành và 20-10. Nếu so với quy định trường chuẩn quốc gia là 35 cháu/lớp thì các trường đều vượt 150%, lớp nào cũng xấp xỉ 50 – 52 cháu. Năm học 2008-2009, Q.1 dự kiến sẽ tăng thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng “Khó lắm, vì sĩ số học sinh quá đông”, bà Lê Thị Lan – Phó phòng Giáo dục Q.1 tâm tư.
Toàn thành phố hiện có 54 trường MN đạt chuẩn quốc gia nhưng không trường nào giữ đúng sĩ số cháu/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trường nào cũng phải “xé rào” nhận thêm cháu. Năm học này, Ban giám hiệu Trường MN Vàng Anh, Q.5 phải nhận mỗi lớp thêm 15 – 20 cháu. Đặc biệt là Trường MN 19-5, mặc dù trường chỉ có 18 lớp từ lớp cơm nát (12 – 23 tháng tuổi) đến lớp lá (5 tuổi trở lên) nhưng có tới 978 cháu. Lớp thấp nhất là 45 cháu (lớp mầm 5), lớp đông nhất là 63 cháu (lớp lá 2 và lá 3). “Sĩ số đông như vậy mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, nhà trường đã phải trả lại 40 – 50 hồ sơ/khối lớp”, bà Huỳnh Thị Thường – Hiệu phó nhà trường cho biết. Cũng theo bà Thường, với số học sinh như hiện nay Trường 19-5 có thể mở thêm 5 – 6 lớp để giãn số cháu nhưng không có phòng, không có giáo viên nên đành chấp nhận quá tải.
Việc quá tải đã gây không ít khó khăn cho các trường khi thực hiện chương trình đổi mới giáo dục MN.
Xây thêm trường: Hãy đợi đấy!
Q.1 có 15 trường MN nhưng chỉ có 4 trường không có điểm lẻ, các trường còn lại có từ 2-5 điểm lẻ. Trong đó, Trường MN Hoa Lan, Tuổi Hồng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình có những điểm lẻ chỉ rộng khoảng 100 – 150 m2. Từ nhiều năm nay, UBND quận đã có chủ trương tìm đất để gom các điểm lẻ xây dựng trường to đẹp hơn, tuy nhiên đụng đến đâu vướng đến đó. Năm học 2007-2008, dự kiến Trường MN Tân Định sẽ được xây mới, đất đã có, tiền cũng đã có nhưng chưa kịp khởi công thì giá cả các mặt hàng xây dựng tăng vọt. Thế nên, năm học 2008-2009, cô, cháu vẫn tiếp tục dạy và học trong ngôi trường chật chội…
Riêng các trường có nhiều điểm lẻ, chủ trương của UBND Q.1 là bán các điểm lẻ để lấy tiền mua đất xây trường. “Những miếng đất mình muốn mua phần lớn là do tư nhân đứng tên, nếu mua theo giá nhà nước thì người ta không bán, còn mua theo giá thị trường thì không thể nào mua được. Rốt cuộc là các cháu vẫn cứ phải chen chúc nhau học trong những điểm lẻ nhỏ bé”, bà Lan – Phó phòng GD quận bức xúc.
Trong khi đó ở Q.Bình Tân vẫn còn tới 3 phường là Bình Hòa Hưng A, Bình Hòa Hưng B và Bình Trị Đông chưa có trường MN. Q.Tân Phú cũng có 3 phường “trắng” trường MN, gồm: Hòa Thạnh, Phú Thạnh và Tân Sơn Nhì. “Các phường đều đã dành đất xây trường nhưng vẫn đang chờ kinh phí. Còn chờ đến bao giờ thì chưa biết…”, bà Hương cho biết. Ngoài 3 phường chưa có trường, Q.Tân Phú còn tới 3 – 4 trường xuống cấp trầm trọng như MN Hoàng Anh, Bông Sen… Tình trạng nhiều phường “trắng” trường MN còn xảy ra các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức…
Tại buổi tổng kết năm học 2007-2008, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2008-2009 giáo dục MN, nhiều đại biểu đã rất bức xúc cho rằng: Giáo dục MN chưa thật sự được sự quan tâm của các ban ngành như các cấp học khác. Thậm chí ở một số quận, địa phương không những không xây dựng thêm trường MN mà còn lấy đất của trường MN để làm những việc khác như mở rộng trường tiểu học, trường THCS, làm UBND phường…
Không chỉ có vậy, trong năm học 2007 – 2008, ngành giáo dục đưa vào sử dụng 882 phòng học mới, tuy nhiên chỉ có 97 phòng của MN, trong khi đó tiểu học là 288 phòng, THCS là 208 phòng và THPT là 249 phòng.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Cho phép tiếp tục tuyển giáo viên đợt 2 Sáng ngày 4-9, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “UBND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục tuyển giáo viên đợt 2 và mở rộng một số điều kiện về mặt cư trú nhưng không giảm về chuẩn chuyên môn”. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh thì Sở GD-ĐT được phép tuyển dụng tiếp những ứng viên chưa trúng tuyển có tên trong danh sách hỏng, bổ sung cho số giáo viên được phân công nhưng không nhận nhiệm sở; được phép tuyển dụng số giáo viên tăng cường tiếng Anh, tiếng Hoa bậc tiểu học sau khi có kết quả chấm thi; được tuyển những sinh viên tốt nghiệp đại học (các môn đang thiếu giáo viên ) có nhu cầu giảng dạy tại TP.HCM. Hiện nay ngành GD-ĐT TP.HCM đang thiếu giáo viên: mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Với THCS thiếu giáo viên các môn: địa lý, GDCD, toán, sinh, KTCN, KTNN, thể dục, tin học, âm nhạc và mỹ thuật. Bậc THPT thiếu giáo viên các môn: địa lý, tiếng Anh, toán, GDCD, hóa, sinh, KTCN, KTNN, tin học, thể dục, tâm lý giáo dục. T.T.Q |
Bình luận (0)