Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quá tải tiêm vaccine dịch vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đang đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ
Những ngày qua, tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ vaccine 5 trong 1 trên địa bàn Hà Nội liên tục quá tải.
Xếp hàng, lấy số chờ tiêm vaccine
Những ngày qua, để được tiêm vaccine dịch vụ, phụ huynh phải xếp hàng rất cực khổ. Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tới 10 giờ sáng, các bà mẹ vẫn ùn ùn đưa con đến đăng ký tiêm dịch vụ. Trong khi đó, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhiều người dân xếp hàng từ 4, 5 giờ sáng để lấy số thứ tự cho con vào tiêm. Có những gia đình đi tới 4 lần không lấy được số thứ tự vì các trung tâm tiêm với số lượng vừa phải càng khiến các gia đình lo sợ tới lượt con mình thì hết vaccine. Điều này khiến các điểm tiêm thêm quá tải. Chị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, vì chọn tiêm dịch vụ cho con chứ không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên chị nóng lòng chờ đợi vaccine… xuất hiện. “Sau những sự cố tiêm vaccine vừa qua, tôi phải “rình” từng mẩu tin trên các báo, ra vào các diễn đàn của các bà mẹ để “hóng” vaccine 5 trong 1, rồi hỏi người quen ở trung tâm y tế dự phòng. Thi thoảng lại bốc máy gọi tới các phòng tiêm xem đến ngày nào thì có vaccine…” – chị Thu kể hành trình gian nan tìm vaccine 5 trong 1 cho con. Chị cho hay, mất bao công “rình rập”, tới lúc có vaccine thì con mình lại lăn ra sụt sịt. Thế là đành ngậm ngùi để con ở nhà và báo cho các mẹ cùng có mối quan tâm trong cơ quan đưa con trẻ đi tiêm, không thì hết liều.
Còn chị Lê Thị Hương, nhà ở khu đô thị Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết chị đã mất cả một ngày để tiêm được mũi vaccine viêm não Nhật Bản cho con. Buổi sáng 8 giờ mang con đến Trung tâm Y tế dự phòng quận Đống Đa nhưng được trung tâm thông báo hết số, lại mang con về. Đến chiều, chị phải bỏ cả bữa chiều của con để tiêm được vaccine. Nhưng không phải ai đi một ngày cũng tiêm được cho con. Chị Mai (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho hay sáng cho con đi hết số, chiều đưa con đi cũng hết số. Xem ra, “sự nghiệp” tiêm được vaccine cho con cũng không kém phần nan giải. Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, chị Vân đưa con gái gần 3 tuổi ra tiêm nhắc lại mũi thứ 3 vaccine 5 trong 1. Sau một hồi chờ đợi, lấy số và vào bàn tư vấn thì chị mới được biết, vì cháu bé đã tiêm 3 mũi, còn một mũi nhắc lại thì nên để tầm cuối năm vì khi đó nhập nhiều vaccine về, miễn là tiêm trước lúc cháu 3 tuổi.
Vì sao quá tải?
Ngày 10-8, lô thứ 2 vaccine 5 trong 1 sẽ về đến Việt Nam
Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, ngày 10-8 lô thứ 2 vaccine 5 trong 1 sẽ về đến Việt Nam. Ngoài ra, nhiều loại vaccine khác cũng sẽ được nhập về Việt Nam, theo Công ty Dược liệu TW 2 dự kiến trong tháng 8 là 85 ngàn liều, tháng 9 là 50 ngàn liều.
Trong vài ngày qua, tình trạng người dân khổ sở đưa con đi tiêm vaccine lại tái diễn. Tình hình khan hiếm nhiều loại vaccine đã diễn ra 3-4 tháng qua, song Bộ Y tế vẫn chưa có cách giải quyết triệt để khiến các điểm tiêm luôn quá tải mỗi khi vaccine về. Lo ngại “cháy” vaccine dịch vụ, nhiều gia đình lại càng trông mong và muốn con mình được tiêm sớm hơn. Trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý dược, Cục Y tế dự phòng vẫn luôn khẳng định không thiếu vaccine và tình trạng quá tải tại các điểm tiêm dịch vụ là do nhu cầu người dân tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt – Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, khan hiếm vaccine là do người dân có nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ. Những vaccine này đều nhập khẩu, đều có cấp số đăng ký để lưu hành, trong trường hợp đặc biệt thì được cấp phép khẩn cấp, đều có giấy phép nhập khẩu.
Ông Đạt cũng khẳng định, nguồn cung vaccine không thiếu. Tuy nhiên, vaccine khác thuốc, phải mất thời gian 3 tháng từ khi sản xuất, trước khi về Việt Nam phải kiểm định tại nước sở tại. Khi về Việt Nam cũng phải kiểm tra, đạt yêu cầu mới được lưu hành, tức phải mất khá nhiều thời gian. Do nhu cầu người dân tăng đột biến, số lượng vaccine sản xuất theo lô không lớn, nên có xảy ra khan hiếm cục bộ. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược và Cục Y tế dự phòng, phải làm tốt công tác dự trù, phối hợp chặt chẽ việc cung ứng vaccine.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc người dân đổ xô đi tiêm vaccine dịch vụ chỉ xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác, người dân vẫn tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, có 11 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hoàn toàn đủ vaccine tiêm chủng mở rộng. Ông Phu khuyến cáo: “Việc tiêm vaccine là cần thiết, nếu chưa có vaccine ở tiêm dịch vụ thì nên tiêm chủng mở rộng, không nên vì thông tin nọ, kia khi không có vaccine mà bỏ tiêm chủng mở rộng. Không tiêm sẽ mắc bệnh, vừa qua dịch sởi là rất rõ. Trước tiên nên lấy tiêm chủng mở rộng làm cơ bản. Nhà nước rất quan tâm, đảm bảo chương trình tiêm này cả về số lượng, chất lượng”.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Giải pháp tăng cường công tác tiêm chủng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản khẩn, yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác tiêm chủng. Giám đốc sở y tế các tỉnh cần chỉ đạo bổ sung nhân lực, trang thiết bị tại các cơ sở tiêm chủng để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Các địa phương nghiên cứu mở thêm các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thuộc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn nếu cần. Sở y tế các tỉnh phải chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thực hiện đúng quy trình, quy định tiêm chủng, sàng lọc bệnh nhân trước khi tiêm đảm bảo không xảy ra tai biến. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng cần chủ động đặt hàng các nhà cung ứng kịp thời, lập kế hoạch dự trù các vaccine đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tránh để xảy ra tình trạng thiếu vaccine cục bộ ở một số điểm tiêm chủng. Tăng cường tư vấn khuyến khích để người dân lựa chọn tiêm các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)