Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quá tải trẻ bệnh hô hấp

Tạp Chí Giáo Dục

Giường bệnh đã chật kín người (ảnh chụp ở Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM ngày 2-4-2015
Thời gian gần đây nắng nóng ở nhiệt độ cao đã làm gia tăng số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Điều đáng nói là bệnh này thường xuất hiện vào những dịp thời tiết lạnh kéo dài hay khi giao mùa nhưng lại bùng phát ngay cả khi thời tiết nắng, nóng.
Ngồi hành lang để chờ…
Dọc hành lang Khoa Hô hấp ở cả hai Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và Nhi đồng 2 TP.HCM người nhà bệnh nhi trải chiếu nằm la liệt chờ đến lượt vì số bệnh nhi đến khám quá đông nên chật hết tất cả các ghế chờ. Một không khí nóng nực, ngột ngạt đến khó chịu khi người thân thì đông, bệnh nhi thì quấy khóc. Bế bé Tú trên tay chị Ngọc Linh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mệt mỏi chia sẻ: “Bé mới được có hơn 5 tháng tuổi mà mấy bữa nay quấy khóc triền miên, bỏ bú, sốt cao, khó thở… Bữa nay đi khám BS bảo bị viêm phế quản nhưng cho điều trị ngoại trú”. Không chỉ dọc hành lang giường bệnh của Khoa Hô hấp ở cả 2 bệnh viện cũng chật kín, thậm chí có những giường phải nằm ghép 2 bệnh nhi. BS. Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại thì số bệnh nhi đến khám đã cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng mấy ngày nay thì số trẻ nằm điều trị tại khoa cũng tăng lên khoảng 40%”. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng rơi vào tình trạng “quá tải”, trẻ đến khám đủ các loại bệnh nhưng tập trung chủ yếu vào bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000-7.000 bệnh nhi. BS. Đặng Thị Kim Huyên (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Bên ngoài Khoa Khám bệnh đã đông như vậy thì trong Khoa Hô hấp bệnh cũng tăng, số giường bệnh đã vượt quá chỉ tiêu cho phép, không kể là nhiều bệnh nhi còn nằm rải rác ở các khoa khác. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là trẻ em dưới 3 tuổi, sức đề kháng còn yếu”. Có con nằm điều trị tại Khoa Hô hấp bệnh viện Nhi đồng 1 đã nhiều ngày, anh Duy Thanh (ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Bệnh nhi đông quá, chật kín các giường bé Su đã nằm ở đây cả tuần rồi tôi chỉ mong nhanh khỏi để xuất viện chứ cảnh này con bệnh thì cha cũng bệnh theo”. BS. Tuấn cho biết thêm: “Các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm tai… là những trường hợp nhẹ thì khoảng 70% được điều trị ngoại trú, sẽ khỏi bệnh trong vòng 10-14 ngày. Riêng các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, các biến chứng nặng từ viêm phổi thì phải nhập viện. Vì đây là thủ phạm gây nên tình trạng tử vong ở trẻ. Gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị hen suyễn nặng với các biểu hiện sốt, ho…”.
Cẩn trọng khi sử dụng máy lạnh và quạt
Để lý giải về nguyên nhân khiến trẻ nhập viện tăng do mắc các bệnh về hô hấp, BS. Tuấn chia sẻ: “Theo cái nhìn bao quát thì xuất phát từ 2 nguyên nhân chính, một là do tập quán sử dụng máy lạnh của người dân. Hai là xuất phát từ việc chăm sóc trẻ không đúng cách, khi trẻ bị đổ mồ hôi nhiều thì việc vệ sinh thân thể cho trẻ còn kém”. Chính vì vậy mà BS. Tuấn khuyến cáo: “Khi đang cho trẻ đi ngoài trời nắng nóng thì không nên vào ngay phòng máy lạnh một cách đột ngột mà trước tiên cần phải lau khô người cho trẻ, không nên để trẻ trong phòng máy lạnh quá lâu chỉ nên từ 3-4 giờ đồng hồ. Không nên để máy lạnh thổi trực diện vào người trẻ. Khi sử dụng máy lạnh thì cần phải đóng kín cửa phòng chính vì vậy mà phòng ốc thường không được thông thoáng thêm nữa là chưa chú ý đến việc vệ sinh máy lạnh nên đã tạo cơ hội cho các loại nấm mốc phát triển và tấn công trẻ gây nên các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó cần đặt nhiệt độ máy lạnh phù hợp tránh để chênh lệch nhiều quá so với nhiệt độ ngoài trời, chỉ nên đặt ở mức nhiệt 27oc. Ngoài ra, việc sử dụng quạt máy cũng nên lưu ý là luôn để quạt ở chế độ xoay, tránh cho quạt quay trực diện. Hiện nay, nhiều gia đình còn sử dụng quạt hơi nước nhưng lại để trong phòng đóng kín. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ mắc bệnh về hô hấp. Một điều cần lưu ý là khi trẻ bị đổ mồ hôi nhiều cần phải vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập vào vùng mũi, họng gây bệnh về hô hấp”. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như ho, sốt kéo dài, nôn ói… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
BS. Đặng Thị Kim Huyên nhấn mạnh: “Để phòng ngừa bệnh, tránh lây lan cho người khác thì cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh việc vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì cần phải đưa trẻ đi chích ngừa cúm hàng năm, dạy cho trẻ biết cách che tay khi ho, rửa tay sạch sẽ…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)