Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quá tải trường lớp ở các khu công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Với sự xuất hiện của các khu công nghiệp, các trường Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang phải đối mặt với tình trạng quá tải…

Dự kiến năm học tới, Trường THCS Võ Như Hưng thiếu 2 phòng học

Trước đây, phía Đông thị xã Điện Bàn được biết đến là một vùng dân cư thưa thớt. Do vậy, tỷ lệ học sinh (HS) đến trường dù đạt 100% nhưng trường lớp vẫn rộng thênh thang. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc được xây dựng, thu hút một số lượng lớn các công nhân tứ xứ về sinh sống và làm việc, một số khác do người dân trên địa bàn đi làm ăn xa trở về đã dẫn đến tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường ngày một tăng cao. Trong khi đó, trường lớp được xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nên đã xảy ra tình trạng trường lớp quá tải.

Thống kê của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (P.Điện Ngọc) cho thấy: Trong 2 năm học trở lại đây, mỗi năm trường tăng thêm 2 lớp/khoảng 70 HS. Hơn một nửa trong số đó là con em công nhân tại khu công nghiệp. Trước tình hình tăng dân số cơ học đó, nhà trường phải sử dụng phòng chức năng để làm phòng học cho HS. Riêng năm học 2016-2017, dự kiến trường sẽ tăng thêm gần 60 HS.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (P.Điện Nam Trung), mặc dù nhà trường đã được đầu tư xây mới thêm 8 phòng học nhưng lại thiếu bàn ghế, còn các phòng học cũ thì đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến việc bố trí dạy học 2 buổi/ngày. 

Ở bậc THCS, tình trạng cũng không khả quan hơn so với tiểu học. Tại Trường THCS Võ Như Hưng, khu hiệu bộ xây dựng từ những năm 1989-1990 đã quá cũ kỹ, ẩm thấp và nóng bức. Thầy Phạm Khắc Hùng – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: Trường có 12 phòng học được xây dựng từ năm 2003 và 5 phòng chức năng xây dựng năm 2006. Tuy nhiên do dãy 12 phòng học được làm bằng cửa kính và khung cửa bằng sắt nên qua một thời gian kính bị vỡ, sắt bị gỉ sét. Mùa nắng, nhà trường phải lấy rèm che; còn mùa mưa, gió tạt thì… đành chịu ướt. “Toàn trường có 14 phòng với 28 lớp học. Hiện tại tình trạng thiếu phòng chưa diễn ra (vì trường chỉ dạy 1 buổi) nhưng dự kiến năm học 2016-2017 sẽ tăng lên 30 lớp, năm 2017-2018 thì sẽ tăng lên 32 lớp. Đó chỉ là con số dự báo trên số liệu điều tra phổ cập, có thể sẽ tăng cao hơn vì công nhân tập trung về khu công nghiệp ngày càng cao hơn, kéo theo con cái họ chuyển đến học tập ở đây. Mặt khác, Trường THCS Võ Như Hưng đóng chân trên địa bàn P.Điện Nam Trung nhưng phục vụ học tập cho con em 3 phường gồm Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông và Điện Nam Trung nên phải đối mặt với tình trạng thiếu phòng học ngay trong năm học 2016-2017. Trước mắt, nhà trường sẽ phải dùng phòng chức năng để dạy học. Tuy nhiên việc sắp xếp cho HS có không gian học các môn tại phòng học chức năng buộc phải ghép chung lại, đó là chưa kể phòng bồi dưỡng HS giỏi cũng không có”, thầy Hùng cho biết thêm. 

Các khung cửa ở dãy phòng học Trường THCS Võ Như Hưng bị vỡ kính, sắt gỉ sét xuống cấp

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Ngọc – Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn – cho biết: UBND thị xã Điện Bàn đã xây dựng đề án trung hạn nhằm phát triển mạng lưới trường lớp gắn liền với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học tại các phường nội thị, thuộc khu công nghiệp tập trung ở phía Đông thị xã Điện Bàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất cho những trường học còn thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về dạy học. Cụ thể sẽ thành lập 1 trường mẫu giáo tại P.Điện Dương trên cơ sở chia tách Trường Mẫu giáo Điện Dương, thành lập thêm 1 trường tiểu học tại P.Điện Ngọc, trên cơ sở chia tách Trường Tiểu học Lê Hồng Phong thành 2 trường; thành lập 2 trường THCS tại P.Điện Nam Đông và P.Điện Nam Bắc, trên cơ sở chia tách Trường THCS Võ Như Hưng thành 3 trường.

Tuy nhiên, nếu thực hiện đề án đúng tiến độ thì đến năm 2020 mới cơ bản hoàn thành kế hoạch. Trong khi, ngay năm học sắp tới, các trường ở khu vực này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp…

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)