Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quà tặng thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Người đang đi học hay người có con em đang đi học đều có lòng quan tâm đến thầy cô, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, dù rằng quà tặng có thể không nặng về giá trị vật chất.

Cô – trò Trường THPT Gia Định trong giây phút chia tay trường cũ của HS

1. Gần đến ngày 20-11, tôi thấy nhiều người phải lo quà tặng cho các thầy cô giáo. Nhìn bạn bè, người thân chuẩn bị quà mừng cho thầy cô của mình, của con em mình, tôi nhận thấy có sự tôn trọng, quý mến thực sự mà cũng có cả sự “quan tâm” chứ không rõ yếu tố tình cảm. Mấy người bạn học tại chức, học chính trị… có vẻ chuẩn bị quà cáp “nặng tay” cho các giảng viên; vài người bạn đang làm luận văn cao học, luận án tiến sĩ thì “tranh thủ” gặp mặt người hướng dẫn để xin ý kiến về luận văn, luận án của mình và thể hiện sự “chu đáo” của mình, nhất là với những người đang làm việc với thầy cô ở xa; các bạn có con nhỏ thì dẫu có băn khoăn phải tặng quà gì nhưng rồi cũng chuẩn bị được quà cho từng cô giáo, bảo mẫu; các bạn có con lớn thì con muốn tặng ai, quà gì đều được đáp ứng… Nhiều người đến đúng ngày 20-11 thì tặng một bó hoa nhỏ, như là một cách tri ân.

Người đang đi học hay người có con em đang đi học đều có lòng quan tâm đến thầy cô, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, dù rằng quà tặng có thể không nặng về giá trị vật chất. Sự quan tâm đó có thể là một hành động xã giao, một biểu hiện tình cảm thực sự, mà cũng có thể chỉ là một cách thức “làm cho nhớ”. Hầu hết các món quà tặng dù với mục đích nào cũng trong sáng, ít nhiều có ý nghĩa tạo sự gắn bó giữa người học và gia đình người học với người dạy, trừ vài trường hợp có ý định “mua chuộc” hoặc “vượt quá tình cảm thông thường”.

2. Năm nào cũng có một vài tờ báo cũng nêu tâm trạng của phụ huynh băn khoăn về quà tặng giáo viên của con em mình. Phổ biến nhất là mỹ phẩm (trong các siêu thị đều có gói sẵn, khá bắt mắt, giá cả khá hợp lý), quần áo, vải, giày dép, phiếu mua hàng siêu thị… Một số người tặng hoa. Có một số kèm thêm phong bì, hoặc quà chỉ là phong bì, nhất là đối với các giáo viên mầm non, vốn rất vất vả. Nhưng chẳng lẽ năm nào cũng tặng như thế, nên trên các diễn đàn, người ta chia sẻ, trao đổi nhau kinh nghiệm tặng quà, tặng quà gì đối với từng đối tượng… Xem ra, để làm vui lòng thầy cô của con em trong dịp 20-11 bằng quà tặng không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Cô – trò Trường THPT Gia Định trong lễ trưởng thành của HS nhà trường

Dĩ nhiên đó là với các phụ huynh sống ở các đô thị. Còn ở nông thôn, người nông dân “thiệt thà” hơn, nên nếu thực sự quý ai thì tặng “cây nhà lá vườn”, con gà, giỏ trái cây, ký nếp… từ đồng, từ rẫy của mình. Người ta ít “tranh thủ”, ít “lấy lòng”. Một số đứa trẻ quý thầy cô của mình nhưng gia đình không có điều kiện thì hái hoa dại, tẩn mẩn cột bó để làm quà. Vậy cũng vui.

Có lẽ trừ một số ít giáo viên có “tư tưởng” trông quà 20-11, từ đó “đánh giá” học sinh, còn tuyệt đại đa số không thấy nặng nề về quà cáp. Thậm chí, với một số trường hợp, không nhận quà thì tốt hơn, bởi có những món quà “ít tình cảm”, không nhận thì khó xử, nhận thì càng khó xử hơn, bởi quà đó có “hàm ý” về một sự “đánh đổi”, “ra điều kiện” mà với cương vị nhà giáo rất khó chấp nhận.

3. Có lẽ suy nghĩ đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người, nhưng vấn đề là có ai nói ra không thôi. Riêng với trường hợp vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa TP.HCM) thì rất thẳng thắn. Hơn hai tuần trước ngày 20-11 năm ngoái, trên facebook có gần 5.000 người kết bạn, anh đã viết một status khá dài, lưu ý ngay: “Thêm một mùa 20-11 sắp đến, cũng như mọi năm, mình thật sự mong muốn các bạn sinh viên, các bạn học viên cao học và các bạn nghiên cứu sinh đã từng làm việc với mình hoặc đang làm việc với mình vui lòng không mua quà hoặc mua hoa để tặng mình nhân dịp 20-11 này”. Anh cũng dặn dò luôn: “Bạn nào có lòng tốt muốn tặng hoa tặng quà cho mình thì dùng số tiền đó đóng góp vào Quỹ học bổng cựu sinh viên Khoa Hóa do cô Trần Thị Tưởng An đang quản lý để phần nào giúp thêm cho các bạn sinh viên nghèo của khoa nhé! Mười mấy năm qua, quỹ học bổng này cùng với những quỹ học bổng khác đã tiếp sức kịp thời cho những bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Khoa Hóa, và mình thật sự biết ơn những người đã và đang cùng nhau chung tay chung sức giúp đỡ cho những học trò nghèo của mình”. Anh chia sẻ thêm, người đi học đã có nhiều gánh nặng nên không muốn phải băn khoăn gì về ngày 20-11, chỉ cần một lời chúc qua facebook hoặc qua điện thoại là đủ quý rồi. Anh viết đầy tình cảm: “Bạn nào may mắn sinh ra trong gia đình khá giả, thật ra mua tặng cho mình một món quà có lẽ cũng chẳng phải là vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, món quà của bạn dù cho có đi kèm với tấm lòng thành thì lại cũng có thể vô tình làm cho các học trò nghèo của mình chạnh lòng đôi chút, và đó là điều mà mình không muốn chút nào cả”.

Suy nghĩ của GS.TS Sơn Nam thật đáng quý và cũng đáng để những người đang đứng trên bục giảng suy ngẫm. Đôi khi, mạnh dạn “nói không” với những món quà tặng “trên mức tình cảm” hoặc có tính “đánh đổi” chính là thể hiện bản lĩnh và sự tự trọng của người thầy.

Đổi lại, người đi học, phụ huynh cũng nên thể hiện sự tôn trọng người thầy bằng tấm lòng, bằng sự phối hợp giáo dục thật tốt. Việc tặng quà (nếu có) cũng là một biểu hiện của tinh thần đó. Phải mạnh dạn “nói không” với những món quà “trên mức tình cảm” hoặc nhằm mục đích “đánh đổi”. Đó cũng là thể hiện sự tự trọng!

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)