Trong các mẩu chuyện về Bác Hồ, có chuyện “Chiếc huy hiệu thứ 16”, một câu chuyện gần như chẳng có liên quan gì đến giáo dục nhưng lại có ý nghĩa giáo dục sâu sắc…
Theo tác giả, có khi chỉ là một món quà nhỏ cũng có thể thay đổi tích cực một con người. Trong ảnh: Giáo viên tặng quà cho học sinh tiểu học. Ảnh: Y.Hoa
1. Chuyện kể rằng, nhân dịp bế giảng khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, vào cuối năm 1946, Bác Hồ gửi tặng đồng chí đỗ đầu một thanh kiếm; 15 người đỗ cao – mỗi người một huy hiệu Sao Vàng, vốn là quà của kiều bào Pháp tặng Bác; đồng thời Bác gửi cái huy hiệu thứ 16 để tặng người đỗ cuối cùng trong số gần 300 học viên của khóa đó. Câu chuyện giản dị nhưng có một giá trị giáo dục thật đặc biệt, có thể áp dụng cho tất cả các trường, các lớp và cũng có thể xem là một bài học về sư phạm mang tính kinh điển trong nhà trường, từ trường sư phạm cho đến các trường phổ thông. Tại sao lại có quà tặng dành cho người đỗ cuối cùng?
Dĩ nhiên, một người có thể nghĩ ra được điều đó chỉ có thể là Bác Hồ, nhưng liệu chúng ta có thể học tập cách làm đó của Bác không, nhất là trong nhà trường? Hoàn toàn có thể. Quà tặng trong trường học (của nhà trường, của giáo viên… dành cho học sinh) thường mang ý nghĩa như là phần thưởng cho học sinh vì những thành tích học tập nào đó. Chẳng hạn, quà tặng của ban giám hiệu nhà trường dành tặng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập, trong giải toán qua mạng, trong Hội khỏe Phù Đổng, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố… Ngoài ra, còn có thể có quà tặng của hội cựu học sinh tặng các học sinh nghèo học giỏi, quà tặng của giáo viên bộ môn dành cho học sinh đạt giải cao bộ môn đó tại một kỳ thi học sinh giỏi, quà tặng của hội cha mẹ học sinh tặng cho học sinh mồ côi hiếu học… Những loại quà tặng này thường hướng tới việc khích lệ những người đã có sự cố gắng và đã đạt được một số thành tích nào đó, nên có ý nghĩa khen thưởng cho bản thân người đó và động viên những người khác nỗ lực hơn. Chúng ta hay gọi chung đó là những phần thưởng.
Thông thường, các phần thưởng sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn khi trao đúng người (thực sự có thành tích), trao đúng lúc (ngay khi có thành tích đột xuất hoặc vào dịp sơ kết, tổng kết), trao đúng cách (thể hiện sự trân trọng), có một giá trị nhất định… |
2. Thông thường, các phần thưởng sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn khi trao đúng người (thực sự có thành tích, thực sự đáng khen thưởng), trao đúng lúc (ngay khi có thành tích đột xuất hoặc vào các dịp mang tính sơ kết, tổng kết), trao đúng cách (thể hiện sự trân trọng) và nên có một giá trị nhất định (giá trị vật chất, tức giá trị sử dụng, và giá trị tinh thần, tức giá trị mang tính động viên, biểu tượng…). Do đó, các trường học nên tránh việc để dồn các phần thưởng trao chung vào một dịp, khi những thành tích đột xuất đang còn “nóng hổi” lẽ ra được trao thưởng ngay thì sẽ được mọi người nhớ nhiều hơn, có ý nghĩa khích lệ lớn hơn; cũng tránh trao thưởng một cách không xứng đáng, như đối tượng không xứng đáng (do thiên vị, do gian lận mà có thành tích…), quà thưởng không xứng đáng (quá sơ sài so với thành tích); cũng tránh trao một cách không rộng rãi, làm giảm giá trị động viên những người chứng kiến, giảm sự tự hào, hãnh diện của người được trao; cũng tránh trao bằng một thái độ ban ơn, bố thí, tức là tránh thái độ thiếu tôn trọng, dù người trao là người lớn, có vai vế trong xã hội, còn người nhận chỉ là học sinh tiểu học… Kể cả những trường hợp trao học bổng, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như hỗ trợ học sinh có nguy cơ bỏ học, hỗ trợ học sinh bị tai nạn hoặc gia đình có biến cố lớn…, thì việc trao tặng cũng phải thể hiện sự trân trọng, để người nhận một mặt thêm điều kiện và động lực để phấn đấu đồng thời luôn biết ơn sự giúp đỡ đó. Hoặc trường hợp một số học sinh chưa có thành tích học tập thực sự tốt để có phần thưởng, nhưng nhằm động viên các em thì giáo viên cũng trích một số quà tặng để biểu dương các em về một số mặt nào đó. Điều này sẽ không làm các em cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi và tạo cho các em thêm động lực để nỗ lực hơn. Dĩ nhiên, việc làm này cần cân nhắc trong một số trường hợp, chẳng hạn khi số lượng chưa đủ điều kiện để khen thưởng nhiều thì có thể không nhất thiết thực hiện mà chỉ quan tâm những trường hợp chỉ còn vài ba em chưa được khen thưởng, nhằm tránh sự khen thưởng, hoặc về hình thức có vẻ như vậy, mang tính đại trà, làm giảm ý nghĩa của việc tặng quà.
Giáo viên phải luôn sâu sát, gần gũi để giúp học sinh gắn bó với lớp, với trường hơn. Ảnh: V.Yên
3. Trong một số trường hợp đặc biệt, quà tặng dành cho những học sinh đủ điều kiện (đủ điểm lên lớp, không vi phạm về hạnh kiểm…) cũng có ý nghĩa rất riêng mà giáo viên, nhà trường có thể cân nhắc thực hiện. Đây chính là việc áp dụng bài học tặng quà cho người đỗ cuối cùng trong khóa học ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn mà Bác Hồ đã thực hiện trong câu chuyện ở trên. Đó thực sự là quà tặng chứ không phải phần thưởng nên người tặng (giáo viên, đại diện hội cha mẹ học sinh…) cần nói rõ để học sinh không ngộ nhận. Việc tặng ai và vào lúc nào cần có sự xem xét thận trọng để có ý nghĩa thực sự. Chẳng hạn, trong lớp, giáo viên biết có một học sinh có tư chất tốt, nhưng vì nhà quá nghèo nên thiếu đầu tư thời gian học tập hoặc vì bất mãn với ai đó mà trở nên lười nhác, thì giáo viên có thể tìm một dịp, một cái cớ nào đó để tặng một món quà thể hiện sự quan tâm và mang ý nghĩa động viên, khích lệ rõ nét, như dịp sinh nhật, dịp em đó có một hành vi ngoan, dịp đạt được điểm tốt với bài làm xuất sắc… Việc làm này sẽ giúp em không tách rời tập thể mà có xu hướng gắn bó hơn với lớp, với trường, với mọi người, từ đó có thêm những tiền đề để hình thành nhân cách tích cực. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải sâu sát, tinh ý, nhạy bén, tế nhị, để có khi chỉ một món quà tặng nhỏ cũng có thể thay đổi tích cực một con người!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)