Quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn ở Việt Nam đã trong tình trạng gần như cạn kiệt do tốc độ phát triển quá nóng. Tuy nhiên điều đáng nói là việc phát triển công trình ngầm – vốn được coi là những mỏ vàng đô thị – lại chưa được chú ý.
Hầm nút giao thông ở Kim Liên (Hà Nội).
Mới chỉ là giải pháp tình thế
Tại hội thảo “Quản lý đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị” vừa được tổ chức, TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra những bất cập của các công trình ngầm hiện nay ở Việt Nam.
Cụ thể là hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, trong khi mỗi công trình (cấp điện, nước, thông tin…) lại được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau, lắp đặt bố trí ở các độ sâu khác nhau… Do đó, hiện tượng đào lên lấp xuống các con đường vẫn thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân cũng như mỹ quan thành phố.
Ngay cả sự kiện Hà Nội đang thực hiện dự án hạ ngầm đường dây thông tin, cáp điện ở một số tuyến phố chính với chi phí rất lớn cũng chưa thể thực sự gọi là những công trình ngầm.
“Đây mới chỉ là giải pháp tình thế bởi vì đơn giản là chôn xuống đất trong một ống gọi là cống hay bể ngầm để mừng 1000 năm Thăng Long… chứ không thực hiện bài bản là xây dựng kỹ thuật lắp đặt đồng bộ toàn bộ các đường dây này” – ông Tiến bức xúc nói.
Đối với các hầm đường qua nút giao thông khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia, hầm tại nút Kim Liên – Lê Duẩn… có thời gian thi công quá dài ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại khu vực này.
Với dự án xây dựng tàu điện ngầm ở Hà Nội và TPHCM thì hiện mới đang trong quá trình lập dự án và tiến độ triển khai quá chậm.
Cũng tại 2 thành phố đầu tàu này, cơ quan chức năng đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với phần ngầm các công trình xây dựng, chủ yếu là toà nhà cao tầng thì chưa được quản lý đồng bộ…
Nhà nước cần đi trước một bước
Tại hội thảo, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay ở Việt Nam có tới 747 đô thị với tỷ lệ đô thị hoá là 30,5%.
Do tốc độ phát triển nóng, quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TPHCM đã ở tình trạng gần như cạn kiệt, các không gian xanh, công cộng ngày càng bị thu hẹp… Trong khi đó, vấn đề chiều sâu đô thị, vấn đề không gian ngầm còn ít được chú ý.
Rõ ràng, việc phát triển công trình ngầm ở Việt Nam là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho đến nay, việc chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, tức là thiếu một tầm nhìn tổng thể về vấn đề này tại các đô thị đang gây rất nhiều khó khăn cản trở cho công tác quản lý và đầu tư về lĩnh vực này.
Để phát triển công trình ngầm cũng đòi hỏi phải có những bước đột phá. Theo ông Hải, quy hoạch dưới lòng đất rất phức tạp bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật hiện đại của nhiều chuyên ngành như địa chất, thuỷ văn, xây dựng, văn hoá, lịch sử… còn phải có nguồn lực tài chính lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn quy hoạch.
“Nhà nước cần có chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để lập nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai” – ông Hải nói.
Giới chuyên môn cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nên có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này để giúp hoạt động quy họach, đầu tư phát triển không gian, công trình ngầm phát triển.
Lan Hương (dantri)
Bình luận (0)