Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hoàng Danh đề nghị ngành giáo dục quận tham mưu kế hoạch thí điểm dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở một số trường, một số cấp ngay trong năm học 2024-2025.
Yêu cầu được Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hoàng Danh nêu ra tại Hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa Bí thư quận ủy với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT quận 12, ngày 21-8.
Cụ thể, Bí thư Quận ủy quận 12 đề nghị phòng GD-ĐT quận nghiên cứu xây dựng chương trình triển khai dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, có thể thí điểm trước ở một số trường có điều kiện ở một số cấp học hoặc trong một trường có thể chọn một số lớp có đủ điều kiện để triển khai trong năm học 2024-2025.
Ông đánh giá, năm học 2023-2024, trong tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện trường lớp nhưng ngành GD-ĐT quận đã nỗ lực đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, không tụt hậu so với những địa phương có điều kiện hơn về cơ sở vật chất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho con em trên địa bàn quận.
Ông nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, phải đặt lên hàng đầu trong năm học mới. Tuyệt đối không để khó khăn của cơ sở vật chất, trường lớp, điều kiện kinh phí mà cho phép giảm đi chất lượng, tiêu chí trong dạy và học cho học sinh.
Trong năm học mới, Bí thư Quận ủy Trần Hoàng Danh lưu ý các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận khi triển khai các chương trình liên kết giáo dục phải qua đấu thầu, trên cơ sở có sự thỏa thuận, đồng ý của phụ huynh.
Đặc biệt, cần tính đến bài toán một lớp học 50 học sinh mà chỉ có 40-45 học sinh đồng ý tham gia thì số học sinh còn lại phải bố trí như thế nào để các em được tham gia các hoạt động theo lựa chọn.
“Qua khảo sát thấy ở nhiều trường, khi các em không tham gia học được nhà trường cho lên thư viện đọc sách. Đây chỉ là biện pháp sau cùng, không phải là biện pháp tối ưu. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm phải tính toán sao cho khi thực hiện các chương trình liên kết với các đơn vị thì có các khoản hỗ trợ cho học sinh khó khăn. Tránh để các em có tâm lý mặc cảm vì gia đình khó khăn, cha mẹ không có tiền nên không được dự học giờ đó nên phải lên thư viện”- ông Danh nhấn mạnh.
Trước vấn đề về xây dựng trường lớp trên địa bàn quận, ông Danh yêu cầu trong xây dựng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn quận phải ưu tiên việc rà soát trường lớp để đảm bảo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân; Trường lớp phân bố phải hợp lý ở bán kính phục vụ phù hợp; Cần tính đến mỗi phường cần bao nhiêu trường THCS, bao nhiều trường TH; cụm thì có bao nhiêu trường THPT..
Ông đồng thời đề nghị ngành giáo dục quận nghiên cứu, tính toán về việcmở rộng, nâng cấp hoặc mở thêm cơ sở mới Trung tâm GDNN-GDTX quận 12, đảm bảo nhu cầu học của học sinh trên địa bàn quận.
“Khi xây dựng trường lớp cần phải lắng nghe ý kiến của đơn vị thụ hưởng, của ngành giáo dục về quy chuẩn, tiện ích đối với trường đầu tư xây dựng, cần đáp ứng được chuyên môn của ngành giáo dục. Tránh trường hợp xây hạng mục không cần thiết, hoặc hạng mục cần nhưng lại không có trong dự án, lại phải bổ sung”- ông Danh yêu cầu.
Cần có biện pháp bảo vệ hình ảnh thầy cô, ngành giáo dục trên không gian mạng
Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hoàng Danh đề nghị, trước khai giảng năm học mới 2024-2025, UBND 11 phường trên địa bàn quận phải trực tiếp đi khảo sát các trường học trên địa bàn phường, đảm bảo an toàn trường học trong năm học mới.
Cần xác định rõ, trong khuôn viên trường thì trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường; còn ngoài cổng trường thì trách nhiệm thuộc về địa phương, như về cây xanh trước cổng trường, dây điện, cột điện, cống thoát nước…
Ông nhấn mạnh, giáo dục luôn được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Do đó để đảm bảo an ninh, an toàn cao nhất cho học sinh trong năm học mới thì địa phương cũng phải vào cuộc chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Mỗi vấn đề, địa phương cần chủ động yêu cầu giải quyết. Nếu không giải quyết được thì UBND quận phải có chi phí cấp bách kịp thời, ví dụ như mé nhánh cây để đảm bảo an toàn cho năm học mới.
Đặc biệt, ông nêu rõ: việc bảo vệ an toàn trường học còn là bảo vệ đội ngũ giáo viên trên không gian mạng. Đây là vấn đề mới trong thời đại CNTT và mạng xã hội bùng nổ. Ban Tuyên giáo quận ủy phải nhanh chóng xử lý thông tin trên không gian mạng, xem đây là trường hợp khủng hoảng thông tin, có các biện pháp từ an ninh mạng…, để bảo vệ hình ảnh của giáo viên, của ngành giáo dục trên không gian mạng.
Trên 97% giáo viên mầm non đạt chuẩn
Năm học 2024- 2025, quận 12 có 411 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS cả trong và ngoài công lập, bao gồm trường phổ thông có cấp THCS. Số trẻ mầm non huy động ra lớp là 26.254 trẻ; Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tiểu học đạt 31,1% (14.945/ 48.112 học sinh). Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày THCS đạt 27,9%. Toàn quận có 16 trường đạt chuẩn quốc gia (13 trường công lập; 3 trường ngoài công lập), trong đó 14 trường đạt mức độ 1 và 2 trường đạt mức độ 2; 3 trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Hiện nay, ngành giáo dục quận có 3.981 cán bộ, giáo viên, nhân viên (173 cán bộ quản lý; 3.042 giáo viên; 766 nhân viên). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 97,7% với mầm non và 95% với tiểu học, THCS. Tỷ lệ giáo viên là đảng viên đứng lớp đạt 32,7% tăng 2,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020- 2025… |
Bí thư Quận ủy quận 12 cũng đề nghị ngành giáo dục ưu tiên mở lớp nâng chuẩn ngay tại quận, tạo điều kiện cho giáo viên ngoài công lập vừa học, vừa làm để nâng chuẩn, đảm bảo đến năm 2030 đạt chuẩn theo yêu cầu.
Song song đó, ông đề nghị các trường chủ động mời gọi thỉnh giảng, bố trí đảm bảo đủ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; quan tâm hơn nữa công tác giáo dục thể chất, văn thể mỹ cho học sinh.
Yến Hoa
Bình luận (0)