Ngày 6-10-2005, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập. Theo đó, mỗi giáo viên (GV) sẽ được hưởng phụ cấp 35% lương. Và cũng từ đó đến nay, năm nào các giáo viên ở Q.12 cũng bị “ngâm” số tiền này trong thời gian 4-5 tháng.
Phụ cấp ưu đãi có bị chiếm dụng?
Cuối tháng 9 vừa qua, chị H. – GV dạy tiểu học ở Q.12 đi rút lương qua thẻ ATM. Chị vô cùng bức xúc khi cả một tháng lên lớp đều đặn nhưng chỉ nhận được trên 1,4 triệu đồng. Trước đó, tháng 8 chị còn được lãnh trên 2 triệu đồng. Chị về trường hỏi kế toán thì được trả lời: “Đó là tiền lương, còn 35% phụ cấp thì phải chờ…”.
Chờ, chờ đến bao giờ? Phải chăng là phải chờ đến tháng 1, tháng 2 sang năm như những năm học trước”, chị H. bức xúc.
Chị H. cho biết, nhiều năm dạy ở Trường Tiểu học T…, năm nào chị và các GV trong trường cũng bị “ngâm” tiền phụ cấp ưu đãi ít nhất là 4 tháng, có năm lên tới 5, 6 tháng. Khi chị thắc mắc vấn đề này với hiệu trưởng thì hiệu trưởng trả lời phải chờ quyết định của cấp trên rồi mới phát. Chờ cả tháng vẫn chưa thấy phát tiền nên chị lại gọi lên Phòng GD-ĐT Q.12 hỏi. Thế nhưng cán bộ phòng nói rằng chị gọi điện như vậy là vượt cấp và cúp điện thoại. “Không cam chịu”, chị lại gọi điện lên Sở GD-ĐT thì Sở trả lời việc này đã phân cấp về cho UBND quận. Thế là chị gọi lên quận, quận “đẩy” về Phòng Giáo dục… “Nhiệm vụ của GV là dạy học nhưng tháng nào cũng phải nghĩ đến chuyện tiền nong thế này thì làm gì còn thời gian và tâm trí để giảng bài. Tôi buồn lắm…”, chị H. tâm tư.
Chị H. cũng khẳng định không chỉ riêng GV Trường Tiểu học T… mà tất cả các GV dạy ở Q.12 đều chịu chung cảnh ngộ này.
Quả đúng như vậy, qua tìm hiểu chúng tôi được biết việc “ngâm” phụ cấp ưu đãi của GV xảy ra tại tất cả các trường trực thuộc Phòng GD-ĐT Q.12 và xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Một GV dạy ở Trường Tiểu học … H., cũng cho biết: “Năm nào tết đến sớm chúng tôi mới được nhận và truy lãnh phụ cấp ưu đãi sớm. Năm nào có tháng nhuần (âm lịch), tết tới trễ thì chúng tôi nhận tiền trễ. Mặc dù đấy là số tiền ngân sách nhà nước phải trả cho chúng tôi nhưng hiệu trưởng lại nói trong đó có cả tiền thưởng tết!”.
Việc phải chờ 4-5 tháng mới được lãnh phụ cấp đứng lớp khiến đời sống GV ở Q.12 đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị H. tính: “Lương căn bản của tôi trên 1,4 triệu đồng/tháng, trong đó phải chi 200-250 ngàn đồng/ tiền xăng dành cho việc đi dạy, tiền ăn trưa (vì phải ở lại trường dạy buổi thứ hai) là 450 ngàn đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng chỉ còn lại khoảng 700 ngàn đồng để chi cho bữa ăn sáng, ăn chiều và hàng trăm khoản sinh hoạt phí khác. Cũng may tôi chưa có gia đình, sống với cha mẹ nên không đến nỗi khốn đốn…”.
Hiện nay trong dư luận GV ở Q.12 cho rằng, Phòng GD-ĐT Q.12 “ngâm” phụ cấp ưu đãi của GV để gửi ngân hàng lấy lãi. Họ nhẩm tính, với gần 1.800 CB-GV, tính lương căn bản bình quân 1,8 triệu đồng/tháng thì tiền phụ cấp 35% khoảng 600 ngàn đồng. Như vậy, số tiền được chiếm dụng để “gửi” ngân hàng (nếu có) sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng…
Năm nay GV sẽ sớm nhận được phụ cấp (!?)
Xung quanh vấn đề này, chiều 30-9 (thứ ba), chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 để xin một cuộc hẹn. Thế nhưng ông Hiếu nói bận họp và hẹn sang tuần tới…
Sáng 1-10, chúng tôi tới Phòng GD-ĐT và gặp bà Huỳnh Ngọc Ánh – cán bộ tổ chức. Bà Ánh cũng thừa nhận là việc phát phụ cấp ưu đãi cho GV có phần chậm trễ, nhưng lỗi này không phải do Phòng Giáo dục. Phòng Giáo dục chỉ làm theo nguyên tắc…
Bà Ánh giải thích: Những năm trước việc xét đối tượng và mức phụ cấp ưu đãi cho GV đứng lớp là do Sở GD-ĐT duyệt. Nhưng từ năm học 2007-2008, sau khi UBND TP có Công văn số 88 (ngày 8-1-2007) về việc giải quyết chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập thì việc xét duyệt này được giao cho chủ tịch UBND quận. Căn cứ theo công văn này, từ năm học 2007-2008, hiệu trưởng các trường trực thuộc Phòng GD-ĐT Q.12 lập danh sách và dự toán chi trả phụ cấp ưu đãi đối với GV của trường gửi Phòng Giáo dục. Sau đó Phòng Giáo dục tập hợp danh sách của tất cả các trường gửi lên UBND quận xét duyệt. UBND quận sẽ ra quyết định, khi nào có quyết định thì GV được nhận phụ cấp ưu đãi. Quyết định này chỉ có hiệu lực từ ngày 1-9 năm nay đến 30-8 năm sau. Vì vậy, mỗi năm học hiệu trưởng các trường đều phải lập danh sách mới…
“Sở dĩ phải đến tháng 12, GV mới nhận được phụ cấp ưu đãi là do tháng 9 (đầu năm học) các trường chưa ổn định về đội ngũ GV nên tháng 10 hiệu trưởng mới lập danh sách. Sau đó còn phải qua 2 “khâu” là phòng giáo dục và UBND quận xét duyệt và ra quyết định. Năm học 2007-2008, lần đầu tiên việc xét duyệt này được phân cấp về quận nên mọi người còn chưa quen việc, theo đó có phần chậm. Năm nay chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, đôn đốc quận làm nhanh để GV sớm nhận được chế độ…”, bà Ánh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ánh thì hàng năm Phòng Giáo dục đều chỉ đạo hiệu trưởng các trường giải thích rõ để GV hiểu và thông cảm về sự chậm trễ này.
Riêng về dư luận Phòng GD-ĐT Q.12 “ngâm” phụ cấp đứng lớp của GV để gửi ngân hàng lấy lãi thì qua tìm hiểu chúng tôi được biết, về nguyên tắc tài chính ngân sách của giáo dục (trong đó bao gồm lương và phụ cấp của GV) sẽ được Phòng Tài chính quận chuyển về từng trường chứ không qua Phòng Giáo dục. Theo đó, hoàn toàn không có chuyện Phòng Giáo dục giữ phụ cấp của GV để gửi ngân hàng.
Hòa Triều
Trước những bức xúc của GV Q.12, một cán bộ Phòng Tài chính – Kế hoạch Sở GD-ĐT cho biết: “Đầu năm học (khoảng tháng 10), ngành giáo dục sẽ lập dự toán ngân sách cấp cho giáo dục trình UBND TP, hoặc quận/huyện. Đến tháng 1 năm sau, ngân sách sẽ được chuyển về trường, 80% số tiền này dùng để chi lương, phụ cấp cho GV. Có thể do các trường ở Q.12 dự chi ngân sách thiếu nên cuối năm không đủ tiền để chi phụ cấp mà phải nợ lại. Phòng GD-ĐT Q.12 đã làm đúng nguyên tắc nhưng họ thiếu sót ở chỗ là khi thấy GV “kêu” chưa được nhận phụ cấp đã không báo UBND quận để cùng nhau giải quyết…”. |
Bình luận (0)