Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quận 12, TP.HCM: “Ổ dịch” thủy đậu trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngừa thủy đậu. Ảnh: T.G
“Ổ dịch” thủy đậu ở Trường Mầm non Sơn Ca 3 (P.Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) khiến trường này phải tạm đóng cửa trong 10 ngày, tính từ 25-3. Tuy nhiên, do tiến độ vệ sinh và sát khuẩn đã đủ an toàn nên trường đã hoạt động trở lại vào ngày 31-3.
Thời điểm này, việc phòng tránh bệnh thủy đậu ở các trường mầm non trên toàn địa bàn quận vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Đảm bảo vệ sinh và tiêm vaccine cho trẻ
Bà Nguyễn Kim Phượng, Phó phòng Giáo dục quận 12 cho hay, Mầm non Sơn Ca 3 là trường duy nhất trên địa bàn quận 12 bị dịch thủy đậu “tấn công”. Kể từ ngày đóng cửa (25-3) cho đến khi trường mở cửa trở lại, mỗi ngày Ban giám hiệu đều phối hợp với giáo viên làm vệ sinh cơ sở và sát khuẩn đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ, đồng thời mở cửa trường lớp cho thông thoáng, đón ánh nắng vào để sát khuẩn, chứ không chỉ vệ sinh một lần rồi đóng cửa để đó. Vì công tác vệ sinh, sát trùng được thực hiện nghiêm túc, đủ độ an toàn nên trường đã mở cửa trở lại để đón trẻ vào lớp. Riêng với những cháu còn bệnh thì vẫn tiếp tục điều trị tại nhà.
Theo vị phó phòng hiện phụ trách khối mầm non, không chỉ có Trường Mầm non Sơn Ca 3, mà tất cả các trường đều tích cực thu dọn vệ sinh, rửa đồ chơi và sát khuẩn hằng ngày. Việc này được thực hiện đều đặn từ đầu năm học tới nay, chứ không chờ khi có bệnh dịch mới chú trọng.
Bà Phượng cho hay, trên địa bàn quận hiện có 17 trường mầm non công lập và 25 trường ngoài công lập. Tất cả các trường trên đều có kế hoạch kiểm tra toàn bộ về phòng chống dịch bệnh, đồng thời kết hợp với việc phòng chống tai nạn thương tích. Hiện tại , Phòng Giáo dục quận 12 đang phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận kiểm tra về y tế học đường cho toàn bộ các ngành học, bậc học. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục cũng đã gửi công văn của UBND quận đến các trường để đẩy mạnh việc rà soát và thúc giục việc tiêm vaccine thủy đậu và vaccine viêm màng não mủ cho trẻ.
Trước đó, tính đến cuối tháng 2, Phòng Giáo dục và TTYTDP quận đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND quận về việc rà soát tiền vaccine sởi cho trẻ, đồng thời khuyến khích phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine sởi đối với những bé chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngay sau khi bệnh thủy đậu xuất hiện trên địa bàn phường, chính quyền quận 12 đã chỉ đạo TTYTDP đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh. BS của TTYTDP đã đến truyền thông cho tất cả phụ huynh của các trường mầm non và tiểu học về các bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sởi, sốt xuất huyết, cúm A/H7N9, với mục đích giúp cho phụ huynh có những kiến thức cơ bản, thông qua những dấu hiệu nhận biết bệnh để có thể xử lý tạm thời rồi đưa con đến bệnh viện kịp thời. Và điều quan trọng hơn, thông qua hình thức tuyên truyền này, sẽ giúp cho phụ huynh có hiểu biết nhất định để phòng tránh bệnh cho con trẻ theo mùa cũng như theo sự biến đổi của thời tiết.
Bên cạnh đó, phòng cũng kết hợp với TTYTDP, Viện Pasteur tổ chức lớp tập huấn cho ban giám hiệu, giáo viên và cán bộ y tế học đường của các trường. Bà Nguyễn Kim Phượng nói rằng hình thức truyền thông đơn giản, dễ hiểu bằng việc dùng những hình ảnh trực quan sinh động, không nên dùng từ quá chuyên môn là cách giúp cho phụ huynh dễ hiểu và dễ nhớ, nhất là đối với những phụ huynh là người dân lao động, chưa quan tâm nhiều đến việc phòng tránh bệnh cho con trẻ. Bà Phượng cũng lưu ý rằng một trong những điều cơ bản mà phụ huynh cần lưu ý là việc giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, dạy trẻ rửa tay thường xuyên khi ở nhà, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc khi có bất cứ va chạm gì. Đây là cách đơn giản nhưng có hiệu quả trong việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Một điểm cần lưu tâm nữa là khi trẻ có các biểu hiện nóng – sốt, phụ huynh cần báo cho nhà trường, khi đó giáo viên sẽ theo dõi và báo về TTYTDP, phòng giáo dục, hoặc trạm y tế phường để kịp thời cử nhân viên y tế đến hướng dẫn cách xử lý.
Việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh trường lớp theo bà Nguyễn Kim Phượng là công tác được chú trọng và được tổ chức thường xuyên ở địa bàn quận 12. Điều này rất cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ mầm non và tiểu học.
Bích Vân
 
Tăng cường giám sát và kiểm soát bệnh trong trường học
Ngày 2-4, BS. Nguyễn Chí Dũng – Giám đốc TTYTDP TP.HCM cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn TP có 369 ca mắc thủy đậu, tăng 254 ca so với cùng kỳ năm 2013. Bệnh tăng nhiều so với các năm trước và tăng lên rất nhiều từ đầu tháng 3. Kiểm soát dịch bệnh có nhiều trở ngại do không có vaccine phòng bệnh từ cuối năm 2013”. Song song với dịch bệnh thủy đậu, dịch bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu vào đỉnh dịch đầu tiên của năm. Tổng số ca mắc 3 tháng đầu năm 2014 là 1.876 ca, trong khi đó cùng kỳ năm 2013 là 1.452 ca. Số ca mắc trải đều ở 24 quận, huyện. Dự kiến bệnh sẽ còn tăng cao trong tháng 4.
Để phòng chống dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế TP chỉ đạo các TTYTDP quận, huyện tăng cường giám sát và kiểm soát bệnh, nhất là ở khu vực trường học. Bởi, “Ở khu vực trường học nếu xuất hiện một ca mà không được giám sát thì rất dễ phát sinh chùm ca bệnh. Lúc đó phải đóng cửa trường, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục. Vì vậy, ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục. Trong tháng 4 và tháng 5, sẽ tiến hành chiến dịch vệ sinh phòng bệnh, tập trung vào khu vực trường học”, BS. Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo BS. Dũng, Sở Y tế sẽ cấp phát cloramin B cho các trường học, cả công lập và ngoài công lập để các trường làm vệ sinh, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế.
H.Triều
 
Thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác y tế trường học
Bắt đầu từ ngày 11 đến 29-4, liên Sở Y tế – GD-ĐT TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra công tác y tế trường học quận, huyện năm học 2013-2014. Theo đó, liên sở thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tại 24 quận, huyện. Sau đó sẽ kiểm tra ngẫu nhiên từ một đến hai trường trên địa bàn mỗi quận, huyện. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào việc kiểm tra công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh; phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trong trường học; đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho học sinh; vệ sinh môi trường học tập; phòng học, bàn ghế, bảng học; bếp ăn tập thể, nhà ăn trong nhà trường; nhà vệ sinh; phòng y tế, trang thiết bị và thuốc…
K.Anh

 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)