Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quận 8, TP.HCM: Báo động học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường học xuống cấp, ngập nước cũng là nguyên nhân làm cho học sinh bỏ học

Trước tình hình bỏ học quá nhiều, cuối tuần vừa qua quận 8 đã tổ chức hội thảo nhằm tìm biện pháp hạn chế và kéo học sinh (HS) trở lại. Tham dự hội thảo có đại diện Quận ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học quận 8, chủ tịch và phó chủ tịch UBND 16 phường cùng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn các trường tiểu học, THCS nằm trên địa bàn quận.
Bỏ học vì tệ nạn
Theo thống kê từ các trường, trong số 293 trường hợp bỏ, nghỉ học của bậc THCS có 106 trường hợp bỏ học vì lý do: thường xuyên trốn học và gia đình không quản lý được. Còn với bậc tiểu học chỉ có 2/31 trường hợp bỏ học vì kinh tế. Số HS bỏ học vì nguyên nhân khác chiếm 29/31. Một hiệu trưởng cho biết: “Thực tế con số có thể cao hơn”. Dân cư địa bàn quận 8 hầu hết thuộc thành phần lao động nghèo, dân trí còn thấp. Trong đó có vài địa bàn khá phức tạp. Chính vì thế, sự quan tâm đến việc học của con em, ít được phụ huynh quan tâm. Hầu như họ trút hết trách nhiệm cho nhà trường. Tại Trường THCS Lê Lai, một HS đánh bạn gây thương tích phải đưa vào bệnh viện. Phụ huynh vào trường và nói thẳng với hiệu trưởng: “Ông có cho nó học hay không?” (?). Hiệu trưởng xin ý kiến của lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận. Lãnh đạo phòng cũng… bó tay. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Văn Đặng, buôn bán lấn chiếm trước cổng trường còn hành hung hiệu trưởng, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý. Vì thế, ông ta ngày càng lộng hành và tiếp tay cho HS trốn học. Thậm chí còn tổ chức cho HS trốn học đánh bài ăn tiền (?). Nhà trường báo cáo chính quyền và Công an phường nhưng có thấy xử lý gì đâu! Ngay như ở Trường Tiểu học H, HS cũng tham gia buôn bán ma túy. Một thầy giáo của trường tiết lộ.
Cần có trách nhiệm chung
Ông Phùng Công Dũng, Phó chủ tịch UBND quận 8 nói: “Các phường và các cơ quan đoàn thể cần phối hợp và hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục. Đặc biệt là hạn chế tình trạng bỏ học. Chủ tịch phường mà cả năm chưa một lần ghé trường làm sao chấp nhận được”. Cách đây không lâu, Bí thư Quận ủy Đổng Thị Kim Vui nói với chúng tôi: “Tôi đã chỉ đạo (miệng) công an các phường tăng cường hỗ trợ các trường học giờ ra về để không chỉ thông thoáng cổng trường mà còn đảm bảo trật tự an toàn trước cổng trường”. Tuy nhiên, thực tế có bao nhiêu công an của 16 phường thực hiện. Đơn cử là đến Trường THCS Lê Lai (phường 15), sẽ thấy. Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó bí thư Quận ủy Trần Văn Thành nói: “Các cơ quan đoàn thể, đặc biệt UBND các phường phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm rõ hoàn cảnh từng HS nhằm có kế hoạch giúp đỡ. Tuyệt đối không để HS bỏ học vì lý do hoàn cảnh kinh tế khó khăn”. Đối với các trường, theo ghi nhận của chúng tôi, nhà trường tạo mọi điều kiện để các em đến lớp bằng nhiều hình thức như miễn giảm học phí, tặng học bổng. Không ít thầy cô giáo đã lấy đồng lương khiêm tốn của mình để giúp HS được đến lớp. Thậm chí, một số HS cá biệt vi phạm thường xuyên nội quy, nhưng nhà trường vẫn luôn mở rộng cửa để các em vào học. Chính quyền địa phương là cơ quan có tác động hữu hiệu; đồng thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế HS bỏ học.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS Huỳnh Công Minh nhấn mạnh: “Hãy đưa các em trở lại với trường lớp”. Hiệu trưởng các trường nắm lại thật chặt số lượng HS trường của mình đã bỏ học. Nhà trường và giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh từng trường hợp. Đến nhà động viên gia đình và bản thân em HS trở lại lớp. Nhà trường phối hợp với địa phương làm tốt nhiệm vụ này. Đối với những HS bỏ học trong các tháng 1, 2 và 3 thì có kế hoạch ôn luyện các em. Đối với những HS đã bỏ học từ các tháng 9, 10, 11 và 12 có kế hoạch phụ đạo để các em được tiếp tục học ngay chính lớp của mình”.
T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)