Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quần áo mới: Nên giặt trước khi mặc

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lê Thị Kim Xuyến, nguyên trưởng phòng thí nghiệm, Phân viện Dệt may TPHCM khẳng định: Việc hóa chất formaldehyde có trong vải là hoàn toàn có thể vì cùng một số hóa chất khác, formaldehyde được sử dụng trong quá trình xử lý chống nhăn cho vải.
Như vậy, về mặt định tính thì hóa chất này được phép có mặt trong một số công đoạn xử lý vải và dư lượng hóa chất này có trong vải hay không phụ thuộc vào việc loại vải đó có qua xử lý với formaldehyde hay không. 
Tuy nhiên, dù có mặt trong vải dệt may nhưng lượng formaldehyde cho phép phải tùy thuộc vào từng nhóm vải. Bà Xuyến cho biết, theo tiêu chuẩn Ecotech 100 về an toàn sinh thái dệt may được áp dụng ở các nước châu Âu thì vải dệt may được chia thành 4 nhóm, với lượng formaldehyde tồn dư được chấp nhận ở mức sau: 
– Nhóm vải dành cho trẻ em: Dư lượng formaldehyde cho phép là 20 ppm (tỷ lệ phần triệu). 
– Nhóm vải mặc trực tiếp với da (chẳng hạn như đồ lót): 75 ppm 
– Nhóm vải mặc ngoài: 300 ppm. 
– Nhóm vải trang trí nội thất (rèm cửa, thảm, bọc đệm….) 300 ppm. 
Theo bà Xuyến, trong các căn hộ hiện đại, nhu cầu sử dụng vải rèm, chăn gối, ga trải giường, bọc đệm ghế và thảm… ngày càng nhiều. Với dư lượng cho phép ở nhóm vải trang trí nội thất như trên, nếu sử dụng quá nhiều, trong không gian kín thì nguy cơ nhiễm độc formaldehyde là rất có thể. 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tránh điều này bằng cách đơn giản. 
Tiến sĩ La Thế Vinh, khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, formaldehyde là một chất khí không màu, có mùi hăng rất mạnh, ở dạng dung dịch được gọi là formone, có tác dụng chống nấm mốc và diệt vi khuẩn. Thực tế, chúng ta không dễ dàng nhận biết sự có mặt của formaldehyde trong vải vóc do mùi hắc đặc trưng của nó vẫn có thể bị lẫn với các loại hóa chất hồ vải, nhuộm màu vải hay giữa các loại chất liệu vải khác nhau. Việc nhận biết dư lượng hóa chất này chỉ có thể thực hiện nhờ các phương pháp kiểm tra qua dung dịch. 
Theo tiến sĩ Vinh, dư lượng formaldehyde trong vải dệt may có thể sẽ mất dần do quá trình phân hủy trong không khí bởi đây là chất khí dễ bay hơi. Ngoài ra, formaldehyde còn có đặc tính hòa tan trong nước, nên tốt nhất quần áo, chăn ga, rèm cửa hay vải bọc ghế… mới mua về nên giặt sạch trước khi dùng. Các dung môi như cồn hay giấm cũng có thể giúp hòa tan formaldehyde dễ dàng hơn nhưng lại có thể làm nhạt màu hoặc làm hỏng chất liệu vải. Do vậy, trong quá trình sử dụng, chỉ cần giặt với nước và phơi nắng nhiều lần cũng sẽ làm giảm dần lượng tồn dư hóa chất này. 
Cũng theo khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, formaldehyde là chất tan trong nước và bay hơi nên trong trường hợp mua phải quần áo và các sản phẩm dệt may khác nghi ngờ có chứa chất độc này, cách xử lý tốt nhất là giặt vài lần bằng nước nóng, sau đó đem phơi ở nơi thoáng gió trước khi sử dụng. Một thí nghiệm thực hiện tại Hàn Quốc cho thấy, dư lượng formaldehyde trong các sản phẩm dệt may giảm 60% sau khi giặt lần đầu. 
Theo Khoa học & Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)