Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Quán bánh canh không tên 20 năm khiến người Sài Gòn quen vị

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm gần đầu đường Phạm Phú Thứ (quận 6, TPHCM), quán bánh canh nho nhỏ không tên nằm trên vỉa hè ấy lại có sức hút đặc biệt đối với người dân Sài Gòn suốt 20 năm nay.

Quán bánh canh bán được hai thập kỷ và khiến nhiều thực khách quen vị, không ăn là nhớ. Ảnh: Châm Bùi

Quán bánh canh nằm gần đầu đường Phạm Phú Thứ, cạnh một quán phở. Quán không có bảng tên cũng chẳng đề bán món gì, chỉ khi đến gần người ta mới phát hiện ra nồi nước lèo to, đỏ au đang bốc mùi thơm nức. Bà Lưu Mỹ Lan (55 tuổi, ở quận 6, TPHCM) là chủ quán.

Đến quán bánh canh, người ta luôn miệng gọi dì Mười vì dì là người con thứ 10 trong gia đình. Dì Mười vừa bới bánh canh cho khách vừa chia sẻ: “Dì bán lâu lắm rồi từ năm 1998 đến nay, người ta thích nước lèo với xương chỗ dì lắm. Nước lèo đỏ au là do có thêm dầu điều vào để thơm hơn và cũng đẹp mắt hơn. Bữa nào bán hết dì mới về không để qua hôm sau. Có hôm mới bán được đến hơn 9 giờ là hết sạch cũng có hôm bán ế đến tận 11 giờ”.

Tô bánh canh giá chỉ 18.000 đồng. Ảnh: Châm Bùi

Quán bánh canh chỉ đơn sơ vài ba bộ bàn ghế cùng một tủ kiếng đặt trên cái bàn nhỏ dùng để hành, chả, bánh canh và nhiều nguyên liệu khác. Trên bàn vẫn còn chỗ, nhiều khách quen vẫn thích đặt tô bánh canh trên đó rồi ngồi xem dì Mười bán.

Điểm đặc biệt của quán bánh canh dì Mười là nồi nước lèo có màu đỏ au đậm đà kèm theo vị ngọt của xương, thịt mà ai cũng mê mẩn. Đến với quán bánh canh dì Mười thực khách còn được ăn “bao no” bởi một tô bánh canh đầy ắp.

Mỗi tô bánh canh như thế gồm có: bánh canh, xương giò nhiều thịt cộng thêm da heo, nước lèo, bánh hỏi lại thêm một chút hành, một chút ớt và một miếng tắc để lên trên.

Nhiều thực khách ăn bánh canh đã nhiều năm, mỗi tuần đều ghé vài lần vì nhớ vị. Ảnh: Châm Bùi

Anh Nguyễn Phước Thanh (quận 6, TPHCM) nói về chuyện mình là thực khách quen của quán: “Tôi ăn bánh canh ở đây lâu lắm rồi, từ hồi mới mở quán đến bây giờ. Bánh canh ở đây ngon nhất là nước lèo, đậm đà màu lại đẹp mắt, nhiều nữa. Sáng nào tôi cũng ra ăn một tô".

Bên cạnh đó, dì Mười còn có bán bánh canh chả lụa, bò viên, chả cá để mọi người thích gì ăn nấy. Nhưng đa phần thực khách đến quán đều ưa thích bánh canh xương giò hơn những loại khác. Một tô bánh canh chỉ 18.000 đồng.

Mỗi ngày, quán có thể bán hết khoảng 10 kg bánh canh và gần chục ký xương giò. Quán bán từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đã hết sạch, có khi còn sớm hơn thế nên nhiều khách thường tiếc nuối vì dì không bán buổi chiều.

Chị Thùy Vân (quận 5,TPHCM) cũng bộc bạch khi đang thưởng thức tô bánh canh: “Tôi ăn bánh canh của dì Mười cũng vài năm rồi, rất là ngon. Thịt đặc biệt nhiều giá, cũng bình dân. Mỗi tuần tôi hay ra ăn vài lần ăn riết rồi quen, mấy bữa không ăn lại thấy thèm thế nào cũng chạy ra ăn bằng được".

Mỗi khi có người đến mua, chủ quán luôn cười thân thiện chào hỏi vì dì bảo đây toàn là những khách quen. Còn đối với những khách mới đến dì cũng luôn niềm nở bảo: “Ngồi đi con”. Ở quán của dì Mười, bánh canh đều được bỏ trực tiếp vào nồi mà không phải đợi khách đến mới bỏ vào nên sợi bánh canh cũng đậm đà ngon miệng khiến nhiều người khó quên được hương vị.

Nụ cười vui vẻ, tô bánh canh thơm lừng đủ vị thơm của dầu điều, đậm đà của nước lèo và bổ dưỡng của xương giò, béo ngậy của da heo kèm theo một ít hành lá, bánh hỏi cùng vài ba bộ bàn ghế mà khiến người Sài Gòn thương nhớ suốt những năm qua. Nhiều người còn than phiền vì dì Mười để ít bàn quá, nhiều lúc phải ngồi ghép lại với nhau mới có chổ.

Theo Châm Bùi/TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)