TS. Ninh Văn Bình trong phòng làm việc |
TP.HCM hiện có 3 trường mầm non (MN) đạt chuẩn quốc gia mức độ (MĐ) 2. Điều đáng nói ở đây là cả 3 trường này đều nằm trên địa bàn Q. Phú Nhuận. Vậy đâu là bí quyết? Xung quanh vấn đề này PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã phỏng vấn TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q. Phú Nhuận.
PV: Hiện nay hầu hết các trường MN ở các quận, huyện đều quá tải. Thậm chí có một số quận còn có một vài phường “trắng” trường MN công lập. Còn ở Q. Phú Nhuận thì sao, thưa ông?
TS. Ninh Văn Bình: Q. Phú Nhuận hiện có 16 trường MN công lập và công lập tự chủ tài chính. Với 15 phường mà có tới 16 trường công, như vậy Q. Phú Nhuận có hơn 1 trường MN công trên 1 phường. Tuy nhiên sự phân bổ lại không đồng đều, có phường có tới 2 trường, có phường lại không có trường nào. Cụ thể là phường 13 hiện chưa có trường MN công lập. Thực ra, trước đây phường 13 cũng có trường nhưng vì cơ sở quá nhỏ, khó cải tạo nên đã bỏ. Hiện nay theo chủ trương của thành phố là mỗi xã, phường phải có một trường MN công lập nên Q. Phú Nhuận đang tìm đất để xây trường MN cho phường 13. Để bố trí chỗ học cho trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo trên địa bàn phường 13, chúng tôi đã dành hẳn một trường MN công lập trên địa bàn phường 14, vì phường 14 có tới 2 trường MN công lập.
Song song với hệ thống trường công, Q. Phú Nhuận còn có thêm 12 trường dân lập, tư thục và 17 nhóm trẻ gia đình.
Với tổng số 28 trường và 17 nhóm trẻ gia đình, Q. Phú Nhuận đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh trên địa bàn. Sĩ số trẻ/lớp không quá đông, phần lớn là đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Được biết cơ sở vật chất của các trường MN công trên địa bàn Q. Phú Nhuận là không đồng đều nhau. Có nhiều trường có cơ sở vật chất khang trang, nhưng ngược lại cũng có một số trường cơ sở vật chất nhỏ hẹp. Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn gửi con vào những trường đẹp, khang trang. Xin ông cho biết, ngành giáo dục quận đã phân bổ trẻ như thế nào?
Chúng tôi tuyển sinh theo địa bàn, ở đâu thì học ở đó. Các trường cũng tư vấn để phụ huynh không nên vì ham trường đẹp mà bắt con phải đi học xa. Bên cạnh đó, mỗi năm ngân sách giáo dục cũng dành khoảng 1,5 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ trường lớp. Ngân sách của quận đầu tư từ 5 – 10 tỷ đồng để sửa chữa lớn, xây dựng mới. Trong đó, bậc MN chiếm 30 – 50% tổng kinh phí này. Vì vậy, cơ sở vật chất của các trường chênh lệch nhau không nhiều. Có thể trường này không to đẹp bằng trường kia nhưng trang thiết bị dạy học, trình độ giáo viên là ngang nhau. Theo đó, trẻ trên địa bàn được phân bổ đồng đều vào các trường, không có tình trạng trường quá tải, trường lại không tuyển được học sinh…
Toàn thành phố có 60 trường MN (cả công lập và dân lập, tư thục) đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn MĐ2. Điều đặc biệt là cả 3 trường này đều nằm trên địa bàn Q. Phú Nhuận. Bí quyết nào để Q. Phú Nhuận đạt được thành tích này thưa ông?
Ngày 19-1-2010, Phòng GD MN Sở GD-ĐT TP và Tổ MN Phòng GD-ĐT quận đã xuống Trường MN Sơn Ca 7 để dự giờ chờ thẩm định đạt chuẩn quốc gia MĐ1. Nếu đạt thì Q. Phú Nhuận sẽ có 6 trường MN đạt chuẩn quốc gia – 3 trường đạt MĐ1 và 3 trường đạt MĐ2. Trong đó chỉ riêng phường 5 đã có 3 trường MN đạt chuẩn quốc gia, đó là Trường MN Sơn Ca 5 chuẩn quốc gia MĐ1, Mẫu giáo Hương Sen quận và Mẫu giáo dân lập 5 chuẩn quốc gia MĐ2. Đây là phường duy nhất trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung có tới 3 trường MN (cả công lập và dân lập) đạt chuẩn quốc gia.
Sở dĩ Q. Phú Nhuận có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia như vậy là bởi Quận ủy và Ủy ban rất quan tâm đến giáo dục. Đặc biệt, Quận ủy đã đưa chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia vào nghị quyết. Theo đó cứ 6 tháng là rà soát lại một lần, các trường thiếu cái gì đều được hỗ trợ kịp thời. Gần đây nhất, quận đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tại Trường MN Sơn Ca 11. Về phía ngành giáo dục, tổ MN trực tiếp xuống các trường hỗ trợ về chuyên môn, giáo viên…
Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Thành phố có 60 trường MN đạt chuẩn quốc gia nhưng chỉ có 3 trường đạt được MĐ2. Nguyên nhân là do sĩ số cháu/lớp của các trường đạt chuẩn MĐ1 quá đông. Nhiều trường đạt chuẩn MĐ1 đạt về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng nuôi dạy… nhưng nếu muốn đạt chuẩn MĐ2 thì phải giảm sĩ số cháu/lớp xuống. Vậy thì cháu sẽ không có chỗ học. Trong khi đó chủ trương của Sở GD-ĐT TP là phải nhận trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Còn ở Q. Phú Nhuận, các trường MN đạt chuẩn quốc gia MĐ1 đã duy trì tốt sĩ số cháu/lớp nên có tới 3 trường được nâng lên MĐ2”. |
Bình luận (0)