Khoa học - Công nghệ

Quận đầu tiên tại TP.HCM có Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đã chính thức đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục quận, trở thành địa phương đầu tiên của TP.HCM quản lý và xây dựng chiến lược ngành giáo dục bằng Trung tâm Điều hành thông minh.

Trung tâm Điều hành thông minh nằm trong nỗ lực chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo quận Gò Vấp và là công trình ngành giáo dục quận chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-2025).

Quận Gò Vấp là địa phương đầu tiên tại TP.HCM xây dựng được Trung tâm Điều hành thông minh giáo dục

Ngày 22-11, trao đổi với phóng viên Giáo dục TP.HCM, ông Huỳnh Phúc Thịnh – chuyên viên Phòng GD-ĐT, phụ trách chuyển đổi số ngành giáo dục quận Gò Vấp thông tin, Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục quận Gò Vấp gồm 5 mảng lớn: Tổng quan mạng lưới trường lớp; Học sinh; Nhân sự; Quản lý hoạt động giáo dục; Chất lượng giáo dục. Được xây dựng qua 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn triển khai về dữ liệu; giai đoạn 2 triển khai về hình ảnh thực tế, phát triển thêm phù hợp với sự phát triển của ngành. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 phấn đấu hoàn thành vào dịp 3-2-2025 – chào mừng kỷniệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo ông Thịnh, ở giai đoạn 1, Tổng quan mạng lưới trường lớp sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống trường học trong và ngoài công lập toàn quận, số trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục, số lớp học, phòng học, số học sinh, nhân sự… đi vào từng bậc học tương ứng, từng trường tương ứng; Đối với họcsinh sẽ phân tích cụ thể về dữ liệu học sinh từng khối lớp, bậc học, điểm danh, biến động học sinh nghỉ trong từng ngày, thông tin sức khỏe học sinh, tỷ lệ học sinh biết bơi; Nhân sự cung cấp đầy đủ thông tin về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, độ tuổi, trình độ…; Quản lý hoạt động giáo dục đang quản lý về thực đơn hàng ngày giúp giám sát về món ăn trong từng trường; Về quản lý chất lượng giáo dục bước đầu dữ liệu chỉ thông tin ở một năm học về kết quả học tập, hạnh kiểm, rèn luyện của học sinh đối với từng trường, từng bậc học…

Trong giai đoạn 2 tập trung về hình ảnh thực tế thì tại Trung tâm Điều hành thông minh sẽ có thêm các hình ảnh bữa ăn bán trú hàng ngày của từng trường; hình ảnh về các đề kiểm tra, khảo sát giữa kỳ, cuối kỳ của từng trường. Đặc biệt là hệ thống sẽ quản lý được hoạt động giáo dục chung tại sân trường của từng cơ sở giáo dục thông qua hệ thống camera giám sát sân trường của mỗi trường.

Giao diện Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục quận Gò Vấp

Phát triển chiến lược ngành từ dữ liệu thông minh

Chia sẻ về việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục quận, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, hiện tại, dữ liệu ngành GD-ĐT quận đã được đồng bộ trên trục cơ sở dữ liệu ngành giáo dục TP.HCM và được cập nhật liên tục, thường xuyên đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Với việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh của ngành giáo dục quận sẽ giúp Phòng GD-ĐT quận sử dụng hiệu quả nhất dữ liệu ngành hiện có vào việc quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của quận. Việc ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số cũng giúp nhân sự Phòng GD-ĐT giảm bớt khối lượng công việc…

Ông Thanh đánh giá, qua Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục không chỉ giúp công tác báo cáo, thống kê được nhanh chóng, chính xác mà còn giúp lãnh đạo quận, lãnh đạo phòng đánh giá được bức tranh tổng quan của ngành giáo dục quận về mọi mặt, giám sát được thường xuyên, liên tục những biến động của từng nhà trường về sĩ số học sinh, đội ngũ, chất lượng giáo dục cũng như các hoạt động giáo dục.

Từ những thông số dữ liệu, từng bộ phận sẽ có kế hoạch, đề xuất phương án để phát triển lĩnh vực, bậc học của mình. Ví dụ, phòng tổ chức của phòng giáo dục sẽ nghiên cứu thông tin nhân sự để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cho phù hợp với đặc thù của từng bậc học và sự phát triển quy mô ngành giáo dục quận; Dữ liệu về sức khỏe học sinh sẽ giúp bộ phận y tế nghiên cứu, xây dựng những chuyên đề, kế hoạch y tế phù hợp, đảm bảo chăm sóc sức khỏe học sinh, giả sử nếu số học sinh mắc tật về mắt nhiều thì chú ý nghiên cứu về ánh sáng trong lớp học, số học sinh nghỉ học nhiều trong mỗi ngày lại xem về các bệnh học đường…; với từng bậc học, mỗi nhà trường cũng sẽ dựa vào dữ liệu để xây dựng kế hoạch, phát triển bậc học, nhà trường…

“Dựa vào dữ liệu, tôi có thể đánh giá số trường hiện có có đáp ứng được với sĩ số học sinh toàn quận không, dự báo số học sinh gia tăng, từ đó tham mưu xây dựng chiến lược quy mô phát triển, quy hoạch mạng lưới trường lớp; đánh giá dài hơi về đội ngũ, thừa hay thiếu, thiếu môn nào, chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Cũng như việc nhìn vào độ tuổi của giáo viên chúng tôi biết được số giáo viên về hưu trong từng năm học để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, phát triển chuyên môn đội ngũ của mỗi nhà trường…” – ông Thanh nói thêm.

Năm học 2024-2025, quận Gò Vấp có 119 trường cả trong và ngoài công lập. Trong đó, có 60 trường công lập. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 19 trường và 13 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Tổng số phòng học 2.265. Tổng số học sinh là 86.139; Tổng số nhân sự là 6.106 người, tổng số cán bộ quản lý là 320, số giáo viên là 4.062, số nhân viên 1.724…

Đối với giai đoạn 2 xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục quận Gò Vấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho biết sẽ tập trung vào việc quản lý và phát triển ngành bằng hình ảnh thực tế, song song với dữ liệu. Cụ thể sẽ giám sát thêm về khẩu phần ăn của học sinh và hình ảnh bữa ăn hàng ngày của từng trường; giám sát hoạt động giáo dục trong sân trường của từng trường qua hệ thống camera giám sát sân trường…

Đặc biệt, đối với chất lượng giáo dục thì không chỉ dừng ở quản lý chất lượng giáo dục trong từng năm học mà sẽ tiến tới đánh giá chất lượng cả quá trình đào tạo của một trường đối với từng niên khóa…

Theo ông, trong giai đoạn 2, các trường sẽ gửi đề khảo sát, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ và gửi kết quả chấm. Từ đó, phòng GD-ĐT sẽ có đánh giá, nhìn nhận về việc ra đề kiểm tra đánh giá của trường có bám sát với ma trận của phòng hay không, có quá sức với học sinh không… Thậm chí, có thể sử dụng AI để phân tích kết quả bài làm của học sinh, để nhận định, đánh giá được rằng học sinh đang yếu ở phần kiến thức nào từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, bổ túc…

“Phòng GD-ĐT đang xây dựng quy chế vận hành và khai thác Trung tâm Điều hành thông minh ngành giáo dục, trong đó yêu cầu rõ từng cơ sở giáo dục sẽ cập nhật những dữ liệu gì, thời điểm cập nhật…, quy rõ nhiệm vụ trách nhiệm của từng bộ phận trong khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý ngành…” – ông Thanh thông tin.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)