Hội nhậpThế giới 24h

Quân đội Trung Quốc có thể hoạt động phi chiến tranh ở nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh mới điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”, cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài.

Theo truyền thông Trung Quốc, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 15-6 nhưng không nêu thông tin chi tiết. Động thái mới nhất của ông Tập diễn ra vài tuần sau khi Bắc Kinh ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết sắc lệnh chủ yếu quy định một cách có hệ thống các nguyên tắc cơ bản, tổ chức, chỉ huy, các loại hoạt động, hỗ trợ hoạt động, công tác chính trị và việc thực hiện chúng của quân đội.

Sắc lệnh gồm 6 chương sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng hoạt động thời bình của quân đội Trung Quốc nhằm bảo vệ "tài sản, duy trì chủ quyền quốc gia, an ninh, các lợi ích phát triển và ổn định khu vực".

Quân đội Trung Quốc có thể hoạt động phi chiến tranh ở nước ngoài - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh mới điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”. Ảnh: AP

Mỹ cũng có chương trình tương tự từ năm 1993. Hồi năm 2013, Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã trình một đề xuất về việc tăng cường hoạt động thời bình của quân đội Trung Quốc.

Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc viết trong đề xuất trình lên từ năm 2013 rằng các hoạt động quân sự không phải chiến tranh là "phương tiện quan trọng chiến lược để đạt được ý định chính trị và hỗ trợ mở rộng các lợi ích của đất nước". Đề xuất nêu việc đánh bại lực lượng của kẻ thù mà không cần giao chiến là trạng thái tối cao của xung đột quân sự.

Cũng theo viện này, các hoạt động quân sự phi chiến tranh ở nước ngoài, với sự tham gia của quân đội nước ngoài, cũng đòi hỏi phải thiết lập các mối quan hệ hợp tác và phối hợp với cơ quan dân sự và quân sự ở những nước đó và với các tổ chức quốc tế.

Hiện vẫn chưa rõ kiến nghị của viện này đóng góp bao nhiêu phần vào sắc lệnh vừa được ông Tập Cận Bình ký.

Sắc lệnh được ký trong bối cảnh gia tăng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đang sở hữu lực lượng quân sự lớn nhất châu Á và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)