Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quận Gò Vấp: Dạy vượt tiết nhưng giáo viên tiếng Anh tiểu học vẫn bị tính thiếu tiết nghĩa vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Với quy định các tiết trợ giảng với giáo viên bản ngữ không được quy thành tiết nghĩa vụ, năm học 2024-2025, nhiều giáo viên tiếng Anh tại trường tiểu học quận Gò Vấp dù được phân công giảng dạy vượt tiết nhưng vẫn thiếu tiết nghĩa vụ. Dẫn đến tình trạng dư giáo viên tiếng Anh cục bộ.

Dạy vượt tiết nhưng vẫn bị thiếu tiết nghĩa vụ

Tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, năm học này trường có 10 giáo viên tiếng Anh. Trên sự phân công giảng dạy thì mỗi giáo viên hiện đang đảm nhiệm từ 24-30 tiết/tuần. Tuy nhiên, hầu hết những giáo viên này đều đang được tính là chưa đủ tiết nghĩa vụ (tiết nghĩa vụ theo quy định của Bộ GD-ĐT là 23 tiết/tuần).

Sở dĩ dù dạy vượt tiết nhưng giáo viên tiếng Anh của trường vẫn đang được tính là không đủ tiết nghĩa vụ là do từ năm học này, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp quy định các tiết trợ giảng với giáo viên bản ngữ không được quy thành tiết nghĩa vụ, vì các tiết đó là tiết liên kết với công ty bên ngoài và giáo viên biên chế không dùng tiết nghĩa vụ để phục vụ cho trung tâm.

Theo cách tính trước đây, giáo viên tiếng Anh đồng giảng với giáo viên nước ngoài vẫn đươc tính tiết nghĩa vụ

Trong khi những năm trước, giáo viên tiếng Anh của trường vẫn được phân công giảng dạy với số tiết nghĩa vụ và tiết đồng giảng với người nước ngoài. Với thay đổi này, giáo viên tiếng Anh trong trường đã gửi đơn đến Tạp chí Giáo dục TP.HCM đề nghị được làm rõ.

“Giáo viên chúng tôi cảm thấy rất hoang mang rằng chúng tôi không tự liên kết làm việc với các công ty đó, mà chúng tôi được phân công đứng lớp nhằm đảm bảo chất lượng học tập của các em học sinh tại trường. Nếu không có chúng tôi, ai đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của các công ty đó? Và làm sao để phụ huynh tin tưởng cho con em học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ” – Tổ tiếng Anh của trường nêu.

Theo những giáo viên tiếng Anh trong tổ, sự thay đổi này đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của thầy cô, đặc biệt là những giáo viên hạng 3 gặp nhiều khó khăn. Giáo viên hạng 3, 4 mặc dù đã về trường 7 năm nhưng mức lương vẫn dưới trung bình là 5.700.000 đồng/tháng, nếu được tính theo lương mới thì giáo viên hưởng 7.400.000 đồng/tháng (nhưng chưa được nhận lương mới).

“Với mức lương như trên, chúng tôi sẽ phải trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình như thế nào khi sống ở một thành phố được coi là đắt đỏ nhất cả nước? Nay, theo quy định mới, giáo viên chúng tôi phải mất một khoản thu nhập đáng kể mà bao nhiêu năm qua giáo viên chúng tôi vẫn được nhận. Khẩn thiết mong cấp trên xem xét và có quyết định hợp tình hợp lý nhất” – tổ giáo viên tiếng Anh của trường bày tỏ.

Dôi dư giáo viên tiếng Anh cục bộ

Với việc thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ như trên đã dẫn đến việc dư thừa giáo viên tiếng Anh cục bộ tại nhà trường.

“Hiện tại nhà trường đang có 10 giáo viên tiếng Anh, nhưng tính theo số tiết nghĩa vụ thì chỉ cần tối đa 6 giáo viên, dư đến 4 giáo viên” – Tổ tiếng Anh chia sẻ.

Qua tìm hiểu, trên thực tế các trường tiểu học ở quận Gò Vấp đều đang dư thừa giáo viên tiếng Anh cục bộ ở năm học này. “Hiện nhà trường đang dư 1/2 số giáo viên tiếng Anh” – hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại quận Gò Vấp nói.

Thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ, nhiều trường tiểu học dư giáo viên tiếng Anh cục bộ (ảnh minh họa)

2 phương án được Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đưa ra để giải quyết bài toán dư thừa giáo viên tiếng Anh của các trường là:

*Phương án 1: Chia đều số tiết nghĩa vụ trong tổ cho mỗi thành viên, các giáo viên dôi dư sẽ thực hiện các công việc liên quan đến chuyên môn.

* Phương án 2: Điều chuyển công tác đối với các giáo viên tiếng Anh đang dư ra để qua trường khác giảng dạy (không có quyết định biệt phái)

“Chúng tôi là giáo viên được đào tạo chuyên môn về giảng dạy môn tiếng Anh, nhưng thực sự chúng tôi rất bất ngờ khi được yêu cầu nếu không đủ tiết nghĩa vụ thì phải dạy các môn học mà chúng tôi hoàn toàn không có chuyên môn và chưa được đào tạo trong lĩnh vực đó để đảm bảo tiết nghĩa vụ” – một giáo viên tiếng Anh băn khoăn.

Không còn quy định đồng giảng nên không được tính tiết nghĩa vụ

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM về tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo quy định tại Nghị quyết số 13 ở bậc tiểu học trong năm học 2024-2025 cùng với hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh bậc tiểu học của Sở GD-ĐT thì đã không còn quy định giáo viên tiếng Anh Việt Nam đồng giảng với giáo viên nước ngoài.

Do vậy, từ năm học này quận Gò Vấp áp dụng không còn khái niệm đồng giảng với giáo viên nước ngoài ở bậc tiểu học. Riêng đối với các tiết tiếng Anh tăng cường thì giáo viên tiếng Anh người Việt vẫn có thể tính tiết nghĩa vụ nếu giáo viên không đủ tiết nghĩa vụ.

“Quy định đồng giảng dạy với giáo viên nước ngoài chỉ được áp dụng với Chương trình GDPT 2006. Khi đó giáo viên đồng giảng thì được tính tiết nghĩa vụ. Hiện nay theo Chương trình GDPT 2018, ở khối 3, 4, 5 tiếng Anh là môn bắt buộc, do vậy quy định giáo viên phải dạy đảm bảo 23 tiết nghĩa vụ/tuần thực hiện các nội dung về chuyên môn theo quy định của chương trình” – ông Thanh phân tích.

Đối với việc dư thừa giáo viên tiếng Anh ở trường tiểu học theo cách tính nghĩa vụ mới, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho biết, hướng giải quyết của quận là nhà trường sẽ phân công giáo viên thực hiện giảng dạy tiếng Anh ở khối 1, 2, cũng như phân công các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp. Đồng thời, quận điều chuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học lên giảng dạy ở bậc THCS, bởi giáo viên tiếng Anh hiện nay đều phải đảm bảo là cử nhân sư phạm với trình độ được đào tạo theo quy định.

“Hiện nay quận đã điều chuyển được 5 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở những trường dư lên dạy THCS với những trường còn thiếu giáo viên” – ông Thanh nói thêm.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)