Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quán karaoke, nhà hàng: Cháy là… chết

Tạp Chí Giáo Dục

Theo số liệu của Cục Cảnh sát PCCC, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 23 vụ cháy karaoke. Và gần đây nhất là vụ hỏa hoạn vào đầu giờ chiều 1-11 tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) làm 13 người chết.

Cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: I.T

Nguyên nhân vụ hỏa hoạn được xác định do chập điện ở biển quảng cáo, sau đó ngọn lửa bùng phát mạnh. Qua đó cho thấy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các điểm kinh doanh dịch vụ này còn quá lơ là.

Tại TP.HCM, vụ cháy 6 căn nhà liền kề số 178-188 đường Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3 đã xảy ra gần hai năm (30-12-2014) nhưng vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với gia đình các nạn nhân và những người may mắn thoát chết. Cơ quan chức năng xác định điểm xuất phát cháy từ tấm bảng quảng cáo karaoke New (số 180, P.7, Q.3) và lan ra các căn khác. Để dập đám cháy này, Cảnh sát PCCC đã huy động đến 28 xe chữa cháy và gần 250 cán bộ chiến sĩ…

Ông Nguyễn Thanh Hồng (đại diện bar No 1, Q.1) thừa nhận: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy tại các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke như chập điện bảng quảng cáo, rò rỉ gas… Trong đó không thể không nhắc đến sự vô ý của khách, đó là hút thuốc vứt tàn bừa bãi”. Theo ông Hồng, trong phòng karaoke hay bar đều làm bằng vật liệu cách nhiệt, cách âm rất dễ cháy, chỉ cần chút bất cẩn là có thể thiêu rụi.

Nhà hàng tiệc cưới cũng là nơi có nguy cơ cháy cao, tuy nhiên một số nơi vẫn xem thường. Theo đó, khu vực dễ cháy ở đây không chỉ có bếp mà còn ở sảnh tiệc. Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng (Cảnh sát PCCC Q.4) lo lắng: “Sử dụng bếp cồn, khách lén lút hút thuốc lá… trong khi bên dưới là thảm. Nguy hiểm hơn, nhiều nhà hàng cũ hoán cải từ ba, bốn căn nhà phố không có lối thoát hiểm. Mà nếu có, khi xảy ra cháy, khách hàng cũng không thể thoát thân vì chỉ một cửa ra vào hoặc duy nhất lối lên xuống cầu thang”.

Điều đáng nói là nhà sử dụng kinh doanh các dịch vụ này hầu hết là nhà phố với thiết kế cũ, cho dù có thay đổi công năng, hoán cải nhưng vẫn không đảm bảo an toàn theo quy định.

“Thiết kế giảm tiếng ồn dẫn đến tụ khói khi xảy ra cháy. Đây là nguyên nhân khiến nạn nhân chết ngạt, cảnh sát PCCC khó tiếp cận điểm cháy. Chủ cơ sở thiếu kiến thức về PCCC, thậm chí phó mặc cho người thuê. Người kinh doanh thì không thực hiện đúng các quy định, pháp lệnh về an toàn cháy nổ nhằm giảm chi phí đến mức tối đa, là nguyên nhân xảy ra những vụ cháy đau lòng”, Thiếu tá Hoàng tiếp.

Luật sư Hồ Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, ban hành kèo theo Nghị định số 103/ NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh karaoke. Theo quy định diện tích phòng karaoke phải từ 20m2 trở lên không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, chống cháy nổ; Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ bên trong; Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề; Không lắp chốt cửa, đặt thiết bị báo động bên trong để đối phó với cơ quan có thẩm quyền… Tuy nhiên, nhiều cơ sở không thực hiện đúng mà vẫn được cấp phép hoạt động.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sở sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra các tụ điểm kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ. Cơ sở nào không thực hiện quy định PCCC sẽ xem xét tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động.

Ông Bửu cũng lưu ý, trong 3 tháng cuối năm, tình hình cháy nổ sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuyển từ mùa mưa sang mùa khô. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC và xử phạt nghiêm các cá nhân, cơ sở vi phạm.

Trần Anh

Bình luận (0)