Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quản lý chặt hành nghề y dược tư nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cũng như hoạt động hành nghề y dược tư nhân (YDTN) nhưng thực tế hậu kiểm vẫn cho thấy không ít cơ sở sai phạm. Hàng loạt cơ sở hành nghề YDTN trong thời gian ngắn vừa qua đã bị phanh phui, thậm chí đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trực tiếp giám sát thanh kiểm tra và không khỏi quan ngại về những sai phạm trong hành nghề YDTN.

Cấp phép một đằng, hành nghề một nẻo

Mặc dù chưa được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cấp phép về chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ cho kỹ thuật căng da mặt bằng chỉ vàng nhưng Trung tâm Thẩm mỹ Hàn Quốc JW (Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) vẫn quảng cáo trên website: thammyhanquoc.vn của mình rằng “căng da mặt bằng chỉ vàng 24K không đau, hiệu quả lâu dài”. Trung tâm thẩm mỹ này cũng giới thiệu công nghệ làm đẹp bằng vàng đã xuất hiện trong những năm gần đây thông qua phương pháp đắp mặt nạ vàng nhưng chỉ thực sự bùng nổ và chinh phục khách hàng tuyệt đối với kỹ thuật căng da mặt bằng chỉ vàng 24K – GOLD THREAD V-LIFT. “Đây là một công nghệ cao cấp rất thịnh hành trong giới nghệ sĩ và người nổi tiếng… có tác dụng nâng cơ mặt tức thì, giảm nhăn, ngăn ngừa da chảy xệ, giúp bạn trẻ trung hơn tới 10 tuổi và kết quả duy trì lâu hơn nhiều năm sau đó…”, Trung tâm Thẩm mỹ Hàn Quốc JW quảng cáo…

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra một cơ sở hành nghề y tư nhân tại TPHCM.

Trước đó, trong buổi kiểm tra một bệnh viện thẩm mỹ ở quận 1 – TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lấy làm sửng sốt vì kỹ thuật căng da mặt bằng chỉ vàng chưa được cấp phép mà cơ sở thẩm mỹ vẫn quảng cáo rầm rộ. Không chỉ lĩnh vực thẩm mỹ, ngay lĩnh vực khám chữa bệnh và kinh doanh dược cũng không ít sai phạm, mà nói như một cán bộ thanh tra Bộ Y tế thì “đụng đâu sai đó”. Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã xử phạt một loạt cơ sở hành nghề YDTN hoạt động trên địa bàn có những sai phạm. Cụ thể, từ ngày 8 đến 12-9, Sở Y tế TPHCM đã xử phạt 6 cơ sở gồm: Nhà thuốc Mỹ Anh B (đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp); Nhà thuốc Cơ sở 3 – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận); Nhà thuốc Minh Thiên (Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh); Hiệu thuốc số 30 – Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Phong Phú (Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12); Công ty CP Nha khoa An Tâm Sài Gòn (Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5); Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang (Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp).

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thông thường những sai phạm của các cơ sở hành nghề YDTN là được cấp phép một đằng nhưng khi đi vào hoạt động lại làm một nẻo. Chẳng hạn mới đây đoàn thanh tra Bộ Y tế phát hiện Phòng khám Đa khoa Sài Gòn – cơ sở 2 (Lý Thái Tổ, phường 2, quận 10, TPHCM) được thẩm định cấp phép có phòng lưu bệnh nhưng thực tế kiểm tra được trưng dụng làm… nhà kho. Ngoài ra, các sai phạm thông thường như hoạt động quá phạm vi cho phép, chưa có phép vẫn hoạt động hoặc người đứng tên bằng cấp, chứng chỉ lại vắng mặt tại cơ sở, quá hạn giấy phép nhưng không xin cấp lại… Thậm chí rất nhiều trường hợp bị phát hiện sai phạm sau đó “thay tên đổi họ” cơ sở để tiếp tục hoạt động sai phép – một cán bộ thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết.

Bắt cóc bỏ dĩa

Bộ Y tế đã liên tục có chỉ thị yêu cầu siết chặt quản lý hành nghề YDTN sau những sự cố nghiêm trọng xảy ra chết người, tai biến. Trong đó, cần siết chặt việc thẩm định và cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Theo Phòng Quản lý dịch vụ hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế TPHCM), từ 1-1-2012 đến 31-7-2014, đã cấp được 22.921 chứng chỉ hành nghề và 3.211 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. “Dự kiến số lượng người hành nghề đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề là trên 30.000 người và cấp giấy phép hoạt động trên 7.000 cơ sở”, một cán bộ Phòng Quản lý dịch vụ hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế TPHCM) cho biết và băn khoăn vì một số lượng rất lớn nên công tác thẩm định gặp nhiều khó khăn như: các đối tượng đã được cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân nhưng không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (cử nhân sinh học, kỹ sư hóa…); hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT (người phụ trách chuyên môn cơ sở dịch vụ kính thuốc) chưa được hướng dẫn giải quyết; các đối tượng đang tham gia thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo các chương trình sức khỏe tại các trung tâm y tế dự phòng cũng chưa được thuộc diện cấp chứng chỉ hành nghề. Chưa có quy định cụ thể về thiết bị, dụng cụ y tế đối với từng hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh, phòng khám chẩn đoán hình ảnh, phòng xét nghiệm…

Việc thẩm định cấp phép hay được xem làm “tiền kiểm” có vai trò quan trọng nhằm cấp phép đúng đối tượng, đúng cơ sở vật chất, đúng quy hoạch, chuyên môn. Trong khi, bộ phận thanh tra có nhiệm vụ giám sát những điều kiện mà Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân đã cấp phép. “Nếu cơ quan cấp phép không chuẩn thì thanh tra phải đi “hốt rác” nhưng làm sao hốt hết vì số lượng cơ sở lớn, lực lượng thanh tra mỏng”, một cán bộ thanh tra cho biết. Đó là chưa kể có những cơ sở bị phát hiện sai phạm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, hoặc thay đổi hình thức hoạt động nên chẳng khác nào… bắt cóc bỏ dĩa .

TƯỜNG LÂM

(SGGP)

Bình luận (0)