Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm: Cần có trọng tâm, trọng điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Việc cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam sử dụng chất tạo nạc bị cấm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi và người tiêu dùng. Thêm một lần nữa, công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản lại được làm “nóng” lên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các ngành chức năng chấn chỉnh tình trạng trên, đặc biệt việc kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), cho biết: Kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2011 cho thấy, số cơ sở chưa đạt yêu cầu còn khá cao, như trong lĩnh vực giết mổ gia súc gia cầm là 55%, về thuốc thú y 24%, chế biến rau quả 56%, thuốc bảo vệ thực vật 27%… Qua lấy mẫu phân tích, số mẫu phát hiện có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép chiếm 4,43%, số mẫu có nguồn gốc động vật phát hiện vi sinh vật gây bệnh vượt quá giới hạn cho phép là 30,01%. Về thủy sản, qua thực hiện 2.535 lượt chỉ tiêu phân tích sau thu hoạch thì có tới 6,4% chỉ tiêu không đạt yêu cầu, trong đó chủ yếu là nhiễm vi sinh vật (E.coli và Salmonella).

Cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng đàn lợn sống trước khi đưa vào giết mổ tại phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).

Đáng chú ý, có tới 17/63 tỉnh thành không gửi báo cáo kết quả kiểm tra về NAFIQAD. Bên cạnh đó, một số địa phương lần đầu tiên triển khai hoạt động kiểm tra, phân loại A, B, C và đánh giá mức lỗi theo quy định trong Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT (quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản) nên còn nhiều lúng túng, chưa xử lý được các trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), qua kiểm tra mới đây tại hơn 6.890 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại 40 tỉnh, thành phố đã phát hiện có 28% số cơ sở vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn trước đây đã có nhưng không nhiều. Thời gian gần đây cơ quan chức năng lại phát hiện tình trạng này ở mức nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam. Điều đáng nói là phát hiện ra các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc là rất khó. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm còn quá nhẹ.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu các ngành chức năng phải tăng cường việc kiểm soát chất lượng VSATTP, đặc biệt cần có trọng tâm, trọng điểm. Đối với các địa phương chưa triển khai Thông tư 14 cần làm thí điểm với sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm của địa phương, trên cơ sở đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng các mô hình kiểm soát VSATTP và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, NAFIQAD cũng đã xác định trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đặc biệt là công tác VSATTP. Trong đó, yêu cầu các địa phương làm quyết liệt việc đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất kinh doanh và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các trường hợp vi phạm phải áp dụng biện pháp xử lý nghiêm. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, GMP, HACCP.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới cũng như lâu dài là công tác quản lý chất lượng VSATTP. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể về công tác quản lý chất lượng thực phẩm và vật tư nông nghiệp cho các đơn vị, trong đó có phân cấp trách nhiệm cho cơ sở như xã, huyện và có cơ chế cụ thể về phối hợp giữa Trung ương với địa phương.

Trung Thành
Báo tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)