Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Quản lý chất lượng đại học: Tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hệ thống ĐH hiện nay đang tồn tại quá nhiều trường có chất lượng yếu kém. Thực tế đó xuất phát một phần từ nguyên nhân thành lập trường tràn lan, công nhận ĐH khi chưa đủ các điều kiện tối thiểu cho phép. Một trong những bất cập đang nảy sinh là tình trạng thả nổi chất lượng đào tạo liên thông, tại chức. Đặc biệt, đối với những trường ĐH-CĐ do các Bộ ngành khác, UBND tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản, lại nảy sinh nhiều bất cập.
Việc mở trường, mở ngành ào ạt đã dẫn đến hệ lụy là thiếu nguồn tuyển sinh Ảnh: Hoàng Long
Bộ GD&ĐT chưa kiểm soát được chất lượng
Một thống kê cách đây 3 năm cho thấy, trong hệ thống giáo dục ĐH, số lượng trường ĐH-CĐ do các bộ, ngành khác quản lý (không phải Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản) chiếm tới 30,8% (116 trường); do UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản có 33,2% (125 trường). Vào thời điểm đó (2009), cả nước có 376 trường ĐH-CĐ. Nhưng đến thời điểm 2011, cả nước có tới trên 430 trường ĐH-CĐ, thì việc quản lý của cơ quan chủ quản về chất lượng, hoạt động, đào tạo các trường ĐH xem ra có phần nan giải.
Việc tăng số lượng trường ĐH-CĐ quá nhanh trong những năm qua (trung bình 2 tuần thành lập mới hoặc nâng cấp 1 trường ĐH) có thể hiểu là cuộc đua nhằm đáp ứng mục tiêu 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020 theo Nghị quyết 14/2005. Mục tiêu này là định hướng phát triển xã hội hóa giáo dục ĐH dài hạn, nhằm đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, nâng cao mặt bằng dân trí. Nhưng, mục tiêu đó phải được thực hiện song song các vấn đề quản lý nâng cao chất lượng đào tạo cho tương xứng. Thực tế, Bộ GD&ĐT hiện nay chưa thể quán xuyến và quản lý toàn diện vấn đề này.
Sự quản lý khá lúng túng của Bộ GD&ĐT đã dẫn đến nhiều hiện tượng xé rào quy chế, chấp nhận chịu phạt để vi phạm. Vì mức phạt chẳng thấm vào đâu so với nguồn lợi thu được từ vi phạm như xé rào tuyển sinh. Hệ thống ĐH-CĐ càng phình ra với 2 trường ĐH quốc gia, 3 trường ĐH vùng, quy tụ hàng loạt các trường ĐH "con”, ĐH thành viên; ĐH truyền thống thành ĐH đa ngành; hệ thống giảng viên cơ hữu thiếu trầm trọng, chất lượng đào tạo ít nhiều bị ảnh hưởng, vị thế của một trường ĐH trước xã hội không còn nhiều ý nghĩa như trước. Vì thế, năm 2010, trước những yếu kém về chất lượng một số trường ĐH đã đến hồi báo động, Quốc hội đã phải vào cuộc với sự thành lập Ủy ban giám sát về chất lượng ĐH-CĐ.
Liên tục sai phạm
Trong vài năm qua, nhiều trường ĐH bộc lộ nhiều bất cập yếu kém, công khai vi phạm quy chế, xé rào tuyển sinh mà báo chí đã lên tiếng như đã từng xảy ra tại ĐH Phan Thiết, ĐH Hồng Bàng. Nguyên nhân cũng vì thành lập vội vàng, chưa đủ tiềm lực trước cuộc đua cạnh tranh căng thẳng của hệ thống trường ĐH, các trường đành gắng gượng mọi cách, kể cả vi phạm quy chế cũng chỉ mong để tồn tại!
Mới đây, lại rộ lên nhiều vụ việc tại Học viện Bưu Chính viễn thông tuyển sinh liên thông đào tạo ĐH khi sinh viên chưa tốt nghiệp CĐ; ĐH thể dục thể thao Bắc Ninh còn liên tục diễn ra sai phạm trong 4 năm qua với việc đào tạo chui không phép nhân sự cho đối tác Trung Quốc, thu kinh phí của sinh viên không hóa đơn, không nộp cho nhà trường… Cho dù Bộ GD&ĐT vào cuộc trước những sai phạm trên thì cũng vướng mắc trong nhiều quyết định, bởi những trường ĐH này lại thuộc các Bộ ngành khác là cơ quan chủ quản. Từ đó cho thấy, sự quản lý ĐH hiện nay vẫn tồn tại nhiều chồng chéo, chưa quy về một mối. Hệ lụy đằng sau những bất cập này là không quản lý được chất lượng đào tạo, quy trình hoạt động, đặc biệt là thả nổi đào tạo tại chức, liên thông ĐH.
Trước thực trạng trên, ngày 16-11-2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 7628/BGDĐT-GDĐH do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, gửi các trường ĐH, học viện, các trường ĐH-CĐ nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm liên tục xảy ra đối với hệ đào tạo liên thông. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, xử lí các trường liên kết đặt lớp không đúng qui định. Những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm theo qui định sẽ phải chịu kỷ luật.
Dù muộn nhưng còn hơn không, việc làm trên đã chứng tỏ một động thái thẳng thắn vào cuộc nhìn nhận những yếu kém của Bộ GD&ĐT. Nhưng cương quyết đến đâu thì còn phụ thuộc vào việc xử lý có nghiêm túc hay không từ các cơ quan chủ quản. Hy vọng, sẽ có nhiều quyết sách hợp lý nhằm chấn chỉnh chất lượng đào tạo ĐH đang bị thả nổi, tránh sự nghi ngờ từ xã hội đối với chất lượng đào tạo ĐH hiện nay.
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)