Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện được chủ trương này thì cần phải có một giải pháp đồng bộ.
Quyết liệt chống dạy thêm học thêm
Trong nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm học thêm được dư luận quan tâm và được luận bàn rất nhiều trong ngành giáo dục. Trong đó, rất nhiều ý kiến đồng tình với việc cấm dạy thêm học thêm nhưng làm sao để chấm dứt tình trạng này thì lại trở thành một "bài toán nan giải".
Một giáo viên dạy ở Trường THPT Năng Khiếu TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Với thời lượng 2 tiết một tuần thì giáo viên không thể nào truyền tải hết được chương trình, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tự suy luận đúc kết và mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy nhận thấy rằng rất ít học sinh có thể tự vận dụng và rút ra các điểm kiến thức cũng như kỹ năng làm bài từ nội dung sách giáo khoa với phân phối 2 tiết 1 tuần. Nên việc phụ đạo dạy thêm cho học sinh là điều tất yếu và đây là nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Chỉ có thể hạn chế một phần, chứ chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm tại thời điểm hiện nay.
|
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Giáo dục – ĐH Sư Phạm TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh học thêm ở thành phố chiếm 82,5%, không học thêm chỉ chiếm 17,5%. Cảm nghĩ chung về học thêm của học sinh như sau: thích học thêm vì nâng cao kiến thức (86,2%), đem lại điểm cao (4,2%), thất vọng vì hiệu quả học thêm thấp (3%), bị bắt buộc học thêm (6,2%). Học thêm cũng để lại nhiều hậu quả. Theo trả lời của phụ huynh, học sinh không còn thời gian tự học (75,7%), ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần (49,3%), gánh nặng về kinh tế (16,1%), làm lợi cho giáo viên (7,2%) và ý kiến khác (2,6%).
Dù nhu cầu của xã hội về dạy thêm học thêm vẫn còn rất lớn, nhưng trước những hệ quả không tốt của dạy thêm học gây ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản và chỉ đạo quyết liệt trong năm học 2016 – 2017 yêu cầu các trường trên địa bàn phải chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm. Với những chỉ đạo quyết liệt của TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn gửi về phòng giáo dục các quận huyện và các trường học, yêu cầu các trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian hè 2016 chỉ được tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, không được dạy trước chương trình.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho biết: Hiện Phòng Giáo dục của quận cũng đã yêu cầu tất cả trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè. Đồng thời, các trường phải phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo điều kiện cho các em có sân chơi ngày hè thật sự ý nghĩa, bổ ích.
Để giải quyết tình trạng dạy thêm học thêm, giải pháp căn cơ nhất là phải có lộ trình tăng khả năng tự học của học sinh và phải giảm tải chương trình, nội dung học cũng như thay đổi cách đánh giá nhận xét và thi cử. |
Trước văn bản chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, một số trường học ở thành phố dù đã có kế hoạch dạy thêm học thêm trong dịp hè nhưng đã ngưng hoạt động này và trả lại tiền cho phụ huynh. Thầy Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cho biết: Trước đó trường đã có kế hoạch dạy thêm học thêm và phụ huynh tự nguyện đóng tiền học thêm cho con vào kỳ họp phụ huynh cuối năm học nhưng nhà trường quyết định trả lại tiền học thêm cho phụ huynh. "Trong năm học tới chúng tôi sẽ xin chuyển đổi từ học một buổi sang hai buổi để thời gian dạy học phù hợp hơn với chương trình", thầy Cao Xuân Hùng nói.
Cần đổi mới đồng bộ, theo lộ trình
Với văn bản đưa ra và sự chỉ đạo một cách quyết liệt của UBND TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng chỉ có thể hạn chế một phần nào đó chứ chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc dạy thêm học thêm vào thời điểm hiện nay, bởi nhu cầu thực tế thì vẫn có, việc đổi mới giáo dục thì đang "ì ạch" và thu nhập của giáo viên vẫn còn thấp.
Nói về chủ trương cấm dạy thêm trong nhà trường nhưng lại cho phép tổ chức học thêm dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường, nhiều giáo viên cũng cho rằng: Cả học sinh và giáo viên đều "thiệt thòi". Giáo viên ra các trung tâm dạy có khả năng sẽ bị ép giá, còn học sinh học ở các trung tâm nhà trường sẽ rất khó quản lý bên cạnh đó học sinh sẽ bị mất phương hướng trong việc học của mình. Hơn nữa, nếu học sinh được học trong nhà trường thì giáo viên sẽ biết được học sinh đó yếu ở điểm nào sẽ phụ đạo dạy cho các em ở điểm đó chứ không đơn giản chỉ giải đề thi. Ngoài ra, hiện nay chúng ta còn chưa có bộ phận kiểm tra nội dung và chất lượng giảng dạy ở mỗi trung tâm.
Theo Hiệu trưởng một trường THPT ở TP Hồ Chí Minh, hoạt động dạy thêm học thêm trong trường học là nguồn thu chính đáng để nhà trường cải thiện đời sống giáo viên, giúp họ yên tâm đứng lớp cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Thế nhưng để chấm dứt hoàn toàn tình trạng dạy thêm học thêm thì cần phải đổi mới giáo dục một cách đồng bộ như thay đổi nội dung chương trình học, đánh giá thi cử, giảm sĩ số trường lớp. Đặc biệt, phải quan tâm đến đời sống của người thầy.
"Chỉ cần có thu nhập ngang bằng những ngành nghề khác trong xã hội và sống được bằng lương, có điều kiện tái tạo sức lao động… thì đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẽ sống hết mình với nghề, sẽ tạo ra những tiết giảng hay nhất, hiệu quả nhất. Khi đó, học sinh sẽ không cần học thêm và giáo viên cũng chẳng muốn dạy thêm làm gì" hiệu trưởng này cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, quá trình triển khai đổi mới của ngành giáo dục vẫn chưa đồng bộ, về cả chương trình học lẫn cách đánh giá thi cử. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học; sĩ số lớp vẫn còn đông, chương trình dạy học vẫn còn nặng. Cần phải xây dựng lại kết cấu chương trình, giảm tải cho học sinh, để học sinh phát triển được hết được sở trường, năng khiếu, đó mới là định hướng của giáo dục toàn diện. Hiện Sở đã kiến nghị với Bộ Giáo dục cho phép thành phố cơ cấu lại chương trình học phù hợp với năng lực, điều kiện của học sinh thành phố.
Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục về dạy thêm học thêm, để chấm dứt tình trạng này, không có một giải pháp riêng lẻ mà cần các giải pháp đồng bộ. Đó là giảm tải chương trình, cải tiến phương pháp đánh giá kiểm tra, cải tiến cách thi cử, khuyến khích học sinh tự học và tăng thu nhập cho giáo viên. Đây là những giải pháp được sự đồng thuận rất cao của giáo viên cũng như ban giám hiệu. Đặc biệt, giải pháp tăng thu nhập cho giáo viên đã được sự đồng tình của 84% giáo viên tiểu học, 60,4% giáo viên THCS, 21% giáo viên THPT và 25% của ban giám hiệu.
Thạc sĩ Hồ Sĩ Anh, Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM: Chủ trương về giảm dạy thêm học thêm là đúng đắn
Để giảm tình trạng dạy thêm học thêm thì cần phải có giải pháp căn cơ lâu dài, có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, phù hợp với tình hình mới, nhất là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Bên cạnh những giải pháp là giảm tải chương trình, đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới thi cử, chú trọng tự học, và tăng thu nhập của giáo viên, cần có thêm chính sách và những quy định của Nhà nước về vấn đề này. Những chính sách, quy định này phải hướng đến con người, phải phát triển con người, coi trọng sự phát triển năng lực phẩm chất học sinh, nhưng cần coi trọng, trân trọng những đóng góp thầm lặng của thầy cô, nhà trường, chứ không chỉ nhìn nhận vấn đề chủ yếu theo hướng tiêu cực.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh: Chương trình vẫn còn nặng nề
Hiện nay, sĩ số học sinh/lớp vẫn còn đông, số lớp học 2 buổi/ngày vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến khó khăn trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn khá nặng nề, quá tải, còn mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm. Việc phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian, dẫn đến học sinh phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế. Hệ lụy của tình trạng này là học sinh phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.
Thầy Nguyễn Thanh Minh, giáo viên trường TH Thực Hành – ĐH Sư Phạm TP.HCM: Dạy thêm là lao động chính đáng
Trong tình hình học sinh học tập và thi cử như hiện nay thì không học thêm là không được. Do đó, việc dạy thêm học thêm là nhu cầu thiết thực của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Ngoài giờ dạy học trên trường giáo viên đi dạy thêm ở ngoài là một lao động chính đáng khi mà lương giáo viên không đủ chi trả cho thời giá hiện nay. Ngoài ra, đi dạy thêm cũng sẽ giúp giáo viên tập trung nâng cao trình độ của mình hơn. Do đó, cần cho phép dạy thêm nhưng phải có cách quản lý cho phù hợp, không chỉ vì số ít mà đánh đồng tất cả.
Cô Phan Thị Hồng Lâm – trường THPT Trần Hưng Đạo: Cần phải có một lộ trình
Trong những năm gần đây, cách ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự thay đổi, bám sát với chương trình học. Tuy nhiên, đề thi vẫn còn khá nặng nề, nếu không học thêm thì các em khó có thể hoàn thành được bài thi. Đi học thêm, các em sẽ được rèn luyện cách làm bài thi và làm những dạng bài tập nâng cao, phục vụ cho việc thi xét tuyển vào CĐ, ĐH. Tôi nghĩ chỉ nên cấm ở khối tiểu học và THCS còn khối THPT không nên cấm bởi các em có nhu cầu học thêm để có thể thi vào các trường CĐ, ĐH. Việc cấm học thêm dạy thêm cũng cần phải có một lộ trình chứ không thể nói là làm liền được. Để không dạy thêm học thêm thì chương trình phải giảm xuống và cách đánh giá học sinh cũng cần phải được thay đổi.
|
Bình luận (0)