Giáo viên cần phải được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả. Ảnh: H.Triều
|
Thời gian qua, vấn đề dạy thêm – học thêm đã gây nhiều tranh cãi và bức xúc trong dư luận. Tuy Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn nhưng xem ra khi đi vào thực hiện, các sở GD-ĐT còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Vậy có giải pháp nào để dạy thêm – học thêm không còn là điểm nóng của ngành giáo dục?
Không đơn giản chỉ ký và đóng dấu
Đến thời điểm hiện tại, dường như chưa có sở GD-ĐT nào ban hành được quy định dạy thêm – học thêm dù thông tư của Bộ GD-ĐT có từ tháng 5-2012. Các sở chậm không phải vì họ không quan tâm mà do nó không đơn giản chỉ là văn bản, là các con chữ. Dạy thêm – học thêm động chạm tới nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, đến người học, đến phụ huynh học sinh và đến dư luận xã hội. Chính vì vậy mà không phải cứ cầm bút ký, đóng dấu là xong. Có lẽ vì vậy mà sở nọ còn “nhìn” sở kia để xem xét, để thăm dò phản ứng của báo chí, dư luận.
Tuy nhiên, có một thực tế, dạy thêm – học thêm là nhu cầu có thực. Một phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội cho biết những giáo viên giỏi, họ không cần “ép” cũng có người này, người kia tự tìm đến để gửi gắm con, cháu. Nếu “tự nguyện” kiểu này thì không có lý do gì để “cấm”. “Nhưng phải “diệt” những trường hợp tìm mọi cách để trù dập học sinh nếu không đi học thêm. Và chính những trường hợp này mới gây ra bức xúc trong xã hội”, vị phó giám đốc này khẳng định. Mặc dù vậy, làm thế nào để “diệt” được lại là chuyện khác. Bởi ngay cả các hiệu trưởng cũng khó có thể biết được giáo viên của mình có dạy thêm ở nhà hay ở nơi khác hay không. Có lẽ vì vậy mà nhiều hiệu trưởng, khi phóng viên đưa video clip quay cảnh giáo viên dạy thêm “chui” ở nhà đã cảm ơn rối rít vì có bằng chứng để “chấn chỉnh” giáo viên của mình. Nếu không có bằng chứng, nhiều khi giáo viên không những chối mà còn nghĩ hiệu trưởng “trù dập” mình. Thậm chí, phát hiện ra giáo viên vi phạm nhưng xử lý cũng không đơn giản bởi còn liên quan đến danh dự của nhà giáo. Bài học của Hà Nội vừa qua cũng cho thấy điều ấy.
Như vậy, sở dĩ cho đến giờ, vẫn chưa sở GD-ĐT nào cho ra đời được quy định dạy thêm – học thêm cũng không có gì khó hiểu.
Giáo viên cũng phải nghỉ ngơi
Trông trẻ ngoài giờ, quản lý học sinh ngày nghỉ… đó là những “thuật ngữ” được dùng để chỉ công việc làm thêm của một bộ phận giáo viên. Đối với bậc học mầm non, điều này không có vấn đề gì, nhưng từ bậc tiểu học thì không còn là chuyện trông với giữ. Cách đây không lâu, tại Trường Tiểu học V.Đ (Thanh Trì, Hà Nội), ngày thứ bảy gần như 100% học sinh đến trường. Qua tìm hiểu thì chúng tôi được biết trường có đề án dạy các môn năng khiếu, ngoại ngữ cho học sinh vào ngày này để tiện cho phụ huynh gửi con ngày nghỉ. Vấn đề ở chỗ chịu trách nhiệm là giáo viên chủ nhiệm, nhưng dạy các môn năng khiếu cũng là… giáo viên chủ nhiệm. Hơn thế nữa, không thể có chuyện gần 100% học sinh có nhu cầu học các môn năng khiếu. Chính vì vậy, khi được báo chí phản ánh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu dừng ngay mô hình này của trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.Hà Nội) – cho rằng giáo viên cũng cần có thời gian nghỉ ngơi để tái cơ cấu sức lao động. Công việc trông trẻ ngày thứ bảy và chủ nhật không thể giao cho các trường hay giáo viên. Bởi họ đã phải làm việc 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhu cầu gửi con của phụ huynh sau giờ học hoặc thứ bảy, chủ nhật là có. Trong dự thảo quy định quản lý dạy thêm – học thêm áp dụng cho TP.Hà Nội mà Sở GD-ĐT vừa công bố lại cho phép các trường nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình và những trường hợp khác, mỗi nhóm trông giữ không quá 25 em. Ngoài ra, còn hướng dẫn thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện dạy thêm – học thêm đối với học sinh tiểu học không quá 2 tiết/buổi học, 2 buổi/tuần… Nhiều người lo ngại, với quy định này, việc trông trẻ sẽ lại bị biến tướng.
Bà Nguyễn Thị Hường – Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm – băn khoăn: “Nếu cho phép tổ chức câu lạc bộ năng khiếu, nhà trường huy động cả giáo viên không chuyên trách như giáo viên toán, tiếng Việt dạy năng khiếu có được không và có đúng tinh thần của câu lạc bộ này không? Bên cạnh đó, những chương trình tiếng Anh tự chọn do Sở GD-ĐT đưa về, học sinh phải đóng tiền học liệu có coi đây là câu lạc bộ không hay coi là dạy thêm?
Quả thật, quản lý thế nào về vấn đề này đang là câu hỏi không dễ trả lời đối với các cấp quản lý, kể cả Bộ GD-ĐT. Nhưng dù muốn hay không thì ngành giáo dục cũng phải giải quyết được bài toán này để phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên yên tâm gửi con, yên tâm học và yên tâm giảng dạy.
Nghiêm Huê
“Giáo viên cần có thời gian nghỉ ngơi để tái cơ cấu sức lao động. Công việc trông trẻ ngày thứ bảy và chủ nhật không thể giao cho các trường hay giáo viên. Bởi họ đã phải làm việc 5 ngày/tuần”, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.Hà Nội), khẳng định. |
Bình luận (0)